Nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Đối nội - Ngày đăng : 15:10, 14/09/2020

(BKTO) - Nhân rộng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới được coi là một mục tiêu quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chịu nhiều ảnh hưởng, tác động của đại dịch Covid-19 và khi giải pháp lâu dài cho nền kinh tế nước ta là tập trung vào an ninh lương thực, an ninh xã hội, liên kết sản xuất, phát triển thị trường trong nước…



Cần phát triển các HTX mô hình trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực kinh tế tập thể. Ảnh: P.Tuân

Mô hình hiệu quả mang lại giá trị kinh tế, ý nghĩa xã hội

HTX Nông nghiệp 1 Điện Phước (Quảng Nam) với 1.793 thành viên nổi lên là một mô hình HTX kiểu mới, doanh thu năm 2019 của HTX đạt tới 16,4 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 261 triệu đồng. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, hằng năm, HTX liên kết với 4 - 5 công ty giống trong và ngoài tỉnh để hợp tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất và tiêu thụ lúa giống. Với HTX Dịch vụ và Nuôi trồng thủy sản xã Quảng Chính (Thanh Hóa), tuy chỉ có 45 thành viên chuyên nuôi trồng thủy sản nhưng HTX cũng đã liên kết với 1 xã ở Nghệ An, tổ chức tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị (3 cửa hàng ở Thanh Hóa). Năm 2019, HTX đạt doanh thu 26,8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 2,2 tỷ đồng.

Tại HTX Giao thông vận tải Hoàng Việt (Vĩnh Phúc), hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa được thực hiện từ năm 2000, đến nay, HTX đã có hơn 60 đầu xe các loại và hơn 80 lao động. Doanh thu trung bình đạt 20 tỷ đồng/năm, thu nhập trung bình người lao động đạt trên 5 triệu đồng/tháng. Còn mô hình HTX Quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ở Thụy Điển (Hà Nội) đã giải quyết được trên 450 lao động có thu nhập ổn định và kéo theo gần 100 lao động của các DN, HTX khác có việc làm. Doanh số dịch vụ đạt trên 30 tỷ đồng/năm, đóng góp vào NSNN khoảng 3 tỷ đồng/năm. Hoạt động của HTX ngoài việc giải quyết việc làm cho người lao động còn đem lại sự bình yên cho hàng chục vạn cư dân các khu chung cư với giá dịch vụ hợp lý…

Đây là những mô hình HTX kiểu mới đang hoạt động hiệu quả và mang lại ý nghĩa xã hội lớn. Tính chung trên cả nước, đến cuối năm 2019 có 24.448 HTX, tăng 1.587 HTX so với năm 2018, tạo việc làm cho 1,17 triệu lao động. Mặc dù tỷ trọng GDP của khu vực kinh tế tập thể không cao nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong khi khu vực DN gặp khó khăn, nhiều DN ngừng hoạt động thì khu vực kinh tế tập thể được đánh giá vẫn tương đối ổn định, không biến động nhiều về số lượng, khẳng định được rõ hơn vai trò hỗ trợ đối với kinh tế cá thể của các thành viên. Các chuyên gia nhận định, giải pháp lâu dài cho nền kinh tế nước ta là tập trung vào an ninh lương thực, an ninh xã hội, liên kết sản xuất, phát triển thị trường trong nước, điều này rất phù hợp với bản chất, thế mạnh của mô hình HTX.

Xây dựng Đề án nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới

Hiện nay, Đề án “Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025” đang được tập trung xây dựng, trong đó có mục tiêu quan trọng là kiện toàn bộ máy hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống và kinh tế của các thành viên, hộ gia đình. Đến năm 2025, mỗi địa phương sẽ có ít nhất 1 HTX tham gia Đề án thực sự nổi trội, hiệu quả, được đánh giá xếp loại ở mức Tốt, đạt 80 điểm trở lên.

Theo dự kiến, Đề án sẽ chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn 1 (năm 2021), sẽ có khoảng 100 HTX được lựa chọn thí điểm trên cơ sở mỗi địa phương đề xuất 1 - 2 mô hình HTX hoạt động hiệu quả tham gia. Ở giai đoạn 2 (từ năm 2022-2025) sẽ triển khai hoàn thiện, kiểm tra, đánh giá mô hình HTX kiểu mẫu trên thực tế tại các địa phương. Những HTX nào sớm đi vào hoạt động hiệu quả, hoàn thành sớm kế hoạch có thể được triển khai ngay công tác tuyên truyền phổ biến, nhân rộng.

Kỳ vọng được đặt ra là các HTX mô hình sẽ trở thành đầu tàu kinh tế của khu vực kinh tế tập thể, góp phần thu hút các HTX khác tham gia, tạo động lực cho các HTX cùng phát triển, góp phần nâng cao tốc độ, hiệu quả và chất lượng tăng trưởng chung của kinh tế địa phương. Đặc biệt là tăng cường liên kết, gắn kết hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị giữa các thành viên với DN bên ngoài ở tất cả các khâu chế biến, tiêu thụ, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, tín dụng…; gắn nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, từ đó mang lại nhiều lợi ích hơn nữa cho các thành viên.

Theo chia sẻ của Ban xây dựng Đề án, trong quá trình hoàn thiện, các HTX sẽ được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, học tập tham quan các mô hình hiệu quả… Các HTX cũng được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng và quảng bá thương hiệu. Đồng thời, Đề án cũng hỗ trợ các HTX tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới, chuyển giao công nghệ chế biến sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận vốn, tín dụng, hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng, giao và cho thuê đất…
         
Việc đánh giá các HTX được thực hiện theo 15 tiêu chí trong Thông tư số 01/2020/TT-BKHĐT và phân làm 3 nhóm: Nhóm 4 tiêu chí về tài chính (30 điểm); Nhóm 5 tiêu chí về quản trị, điều hành và năng lực của HTX (30 điểm); Nhóm 6 tiêu chí về thành viên, lợi ích thành viên và cộng đồng (40 điểm). Thực trạng ban đầu của HTX được chọn phải đạt loại Khá (từ 65 điểm trở lên) và mục tiêu hướng tới phải đạt từ 80 - 100 điểm, xếp loại Tốt. Các tiêu chí cần hoàn thiện phải đạt điểm cao hơn so với ban đầu.
PHÚC KHANG