81 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng
Đối nội - Ngày đăng : 15:05, 14/09/2020
(BKTO) - Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của Chính phủ cho biết, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người, trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 14/9. (Ảnh: TTXVN) |
Sáng 14/9, tại phiên họp thứ 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2020.
Tạm đình chỉ cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Báo cáo nêu rõ, các cấp, các ngành đều chú trọng triển khai thực hiện quy định của Luật PCTN về tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí khác đối với những trường hợp cần phải đình chỉnh theo đúng quy định của Luật PCTN và Nghị định 59/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Nhiều trường hợp cán bộ đã được tạm đình chỉ kịp thời để phục vụ việc điều tra các vụ án, trong đó có cả cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Trong kỳ báo cáo, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo báo cáo, ngành Thanh tra đã triển khai 4.706 cuộc thanh tra hành chính và 150.560 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 64.551 tỷ đồng, 7.077 ha đất; kiến nghị thu hồi 26.007 tỷ đồng và trên 1.174 ha đất, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 124 vụ, 118 đối tượng.
Các cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5%. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7 ha đất; khôi phục, đảm bảo quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người (đã xử lý 386 người), chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.
Về kết quả kiểm toán, đã kiến nghị xử lý tài chính 54.770,44 tỷ đồng; chuyển hồ sơ 4 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 2 vụ việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp 101 báo cáo kiểm toán và các tài liệu có liên quan cho các cơ quan chức năng.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, các Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can.
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã giải quyết 218 vụ/621 bị can, đạt 74,1 %, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó truy tố 218 vụ/577 bị can, đạt 100 % tổng số án đã giải quyết (tăng 1,6 % so cùng kỳ năm 2019). Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý 388 vụ với 1.101 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 203 vụ với 523 bị cáo về các tội tham nhũng.
Hiện tượng trù dập, trả thù người tố cáo vẫn xảy ra
Báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đến việc chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức theo quy định; chưa xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, chưa công khai đầy đủ kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Việc kiểm tra nội bộ, tự phát hiện hành vi tham nhũng trong một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế. Một số đơn vị thuộc một số bộ, ngành, địa phương khi có xảy ra tham nhũng nhưng người đứng đầu chưa bị xem xét, xử lý trách nhiệm kịp thời...
Đáng chú ý, công tác thanh tra, giải quyết tố cáo phát hiện nhiều sai phạm trong nhiều lĩnh vực như đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý tài chính, ngân sách... nhưng xác định hành vi tham nhũng trong các sai phạm này còn gặp khó khăn, do hoạt động thanh tra, giải quyết tố cáo khó có cơ sở, chứng cứ chứng minh hành vi yếu tố vụ lợi, chỉ khi chuyển cơ quan điều tra, áp dụng các biện pháp tố tụng mới làm rõ được.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, nguyên nhân chủ yếu là do năng lực, sức chiến đấu của một số cơ quan, tổ chức đơn vị còn hạn chế, chưa đủ sức để tự phát hiện tham nhũng. Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu tại cơ quan quản lý nhà nước chưa phát huy, chưa quan tâm đúng mức tới công tác kiểm tra và tự kiểm tra trong việc phát hiện hành vi tham nhũng.
Hơn nữa, mặc dù cơ chế bảo vệ người tố giác đấu tranh PCTN đã được pháp luật quy định, tuy nhiên trên thực tế hiện tượng trù dập, trả thù hoặc đe doạ trả thù vẫn xảy ra khiến người tố cáo tham nhũng lo ngại, không dám đấu tranh...
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác PCTN, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, đặc biệt là trong công tác quản lý, sử dụng cán bộ; tăng cường hoạt động giám sát công tác PCTN, nhất là việc triển khai thi hành các quy định mới của Luật PCTN năm 2018 và các luật mới được sửa đổi, bổ sung có liên quan chặt chẽ đối với công tác PCTN.
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát được phát hiện qua hoạt động tố tụng, kiểm toán nhà nước; tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử; kiên quyết không để xảy ra tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật..../.
Theo dangcongsan.vn