Bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng của quốc gia
Đối nội - Ngày đăng : 17:05, 14/09/2020
(BKTO)- An ninh lương thực là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, đặc biệt là đối với những quốc gia đông dân như Việt Nam. Do vậy, bảo đảm an ninh lương thực luôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nước ta, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động như hiện nay. Mới đây, Bộ Chính trị đã ký ban hành Kết luận số 81-KL/TW về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030.
Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Sản lượng lương thực bình quân đầu người ở mức tương đối cao
Với quy mô dân số gần 100 triệu người, đứng thứ 15 thế giới và thứ 3 Đông Nam Á, Việt Nam xác định đảm bảo an ninh lương thực là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Ngay từ khi bắt đầu tiến hành đổi mới, Việt Nam đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hợp lý và nỗ lực không ngừng trong công cuộc xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân. Nhờ đó, số người bị đói đã giảm dần, từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) giai đoạn 2010-2012.
Đặc biệt, từ năm 2009, khi Đề án ''An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020'' được triển khai, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực cho nhân dân. Nhiều kết quả đạt được vượt mục tiêu đề ra, như: diện tích đất lúa cả nước đạt trên 4,1 triệu ha (mục tiêu là 3,76 triệu ha); sản lượng lúa năm 2019 đạt trên 43,4 triệu tấn (mục tiêu là 41-43 triệu tấn); xuất khẩu gạo năm 2019 đạt trên 6,3 triệu tấn (mục tiêu 4 triệu tấn).
Trong giai đoạn 2009-2019, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp đạt khá cao (2,61%/năm). Năng suất lúa của Việt Nam cao nhất Đông Nam Á đạt 5,6 tấn/ha, gần gấp đôi so với Thái Lan và gấp 1,5 lần so với Ấn Độ; năng suất cà phê cao gấp 1,5 lần so với Brazil, gấp 3 lần so với Colombia, Indonesia; năng suất hồ tiêu gấp 3 lần so với Indonesia và 1,3 lần của Ấn Độ; năng suất cá tra bình quân đạt 209 tấn/ha, cao nhất thế giới... Giá trị và sản lượng nhiều nông sản đều tăng mạnh, sản lượng rau quả tăng 80,5%, từ 9,75 triệu tấn lên 17,6 triệu tấn; sản lượng trái cây tăng từ 6 triệu tấn lên 12,6 triệu tấn.
Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn đã tăng 4,3 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn thu hẹp từ 2,1 lần xuống còn 1,8 lần. Việt Nam không chỉ tự đảm bảo được an ninh lương thực với sản lượng lương thực bình quân đầu người ở mức tương đối cao 525 kg/năm (đứng thứ 6 trên thế giới) mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho nhiều quốc gia khác.
Xuất khẩu hàng nông sản được tiếp tục đẩy mạnh, có 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, bình quân mỗi năm xuất khẩu khoảng 5-7 triệu tấn gạo. Xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được đầu tư phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm, giảm nghèo.
Có thể thấy, sau 10 năm triển khai Đề án, cả nước không còn hộ thiếu đói, thiếu lương thực, đảm bảo cân đối lương thực. Sản xuất tăng trưởng nhanh, ổn định, đa dạng; đã tạo ra khối lượng lương thực, thực phẩm cơ bản đáp ứng cho nhu cầu nhân dân; nhu cầu xuất khẩu và đáp ứng yêu cầu đối phó với những biến động của thiên tai, dịch bệnh, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chưa cao, chưa bền vững nên quy hoạch sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp tại nhiều địa phương không ổn định, có tình trạng "được mùa - mất giá", giải cứu nông sản. Bên cạnh đó, thể chế, cơ chế chính sách về đất đai còn bất cập, dẫn đến sản xuất nông nghiệp nhiều nơi vẫn còn nhỏ lẻ; chưa đáp ứng được đòi hỏi về tích tụ, tập trung ruộng đất, đang là "nút thắt" lớn nhất cho sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao của quốc tế. Đáng nói, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt đang đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất lương thực, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Đảm bảo an ninh lương thực trong tình hình mới
Trong bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều biến động như hiện nay bảo đảm an ninh lương thực vẫn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của nước ta. Đặc biệt là khi sản xuất nông nghiệp đang tiếp tục chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, an ninh nguồn nước, quá trình công nghiệp hoá, đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ.
Dự báo, do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nông nghiệp Việt Nam có nguy cơ giảm 7,2 triệu tấn lúa và ảnh hưởng đến 32,2% diện tích đất nông nghiệp vào cuối thế kỷ 21. Còn nếu nhiệt độ trung bình tăng thêm 1oC, năng suất lúa sẽ giảm khoảng 10%, ngô giảm 5 đến 20%, nhu cầu nước tưới tăng thêm 10%. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến sản lượng lương thực và đe dọa an ninh lương thực nhóm người nghèo, cận nghèo. Trong khi đó, trên toàn cầu, nhu cầu lương thực cũng tăng lên do dân số tăng, tăng thu nhập bình quân đầu người và thay đổi chế độ ăn uống. Công bố của Liên hợp quốc nêu rõ, dân số sẽ tăng từ 7,5 tỷ người hiện nay lên khoảng 10 tỷ người vào năm 2050. Theo đó, sản xuất nông nghiệp cần tăng thêm 70% so với hiện nay để đáp ứng nhu cầu về lương thực của con người vào thời điểm đó.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ký ban hành Kết luận số 81-KL/TW về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030. Theo đó, Bộ Chính trị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp: nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; cung cấp đầy đủ, đa dạng, an toàn các loại thực phẩm như thịt, trứng, sữa, thủy sản, rau quả, đồ uống với chất lượng ngày càng cao...; bảo đảm thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn hai lần so với năm 2020, bảo đảm khả năng tiếp cận và chi trả cho nhu cầu lương thực, thực phẩm thiết yếu; bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng với khẩu phần ăn cân đối, khoa học; nâng mức tiêu thụ lương thực; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới năm tuổi thể thấp còi xuống dưới 19% và thể nhẹ cân xuống dưới 10,5%; tỷ lệ béo phì của trẻ em dưới năm tuổi ở nông thôn dưới 5% và thành thị dưới 10%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề ra mục tiêu, đến năm 2030, về sản xuất lương thực, thực phẩm, giữ ổn định khoảng 3,3-3,6 triệu ha, sản xuất khoảng 35 triệu tấn lúa làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu cho con người, chế biến, làm thóc giống, dự trữ và xuất khẩu. Sản lượng thịt hơi các loại khoảng 6,6 triệu tấn, sữa tươi 2,3-2,5 triệu tấn, trứng gia cầm 22-23 tỷ quả; sản lượng thủy sản 9-10 triệu tấn.
Để triển khai được các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các giải pháp, như: Cơ cấu lại trồng trọt theo hướng xây dựng vùng sản xuất tập trung, áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, an toàn gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc, đáp ứng thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển chăn nuôi theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn sinh học và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi, áp dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến, gắn với cấp mã vùng, truy xuất nguồn gốc; quản lý hiệu quả sản xuất, kinh doanh vật tư đầu vào cho nuôi trồng thủy sản.
Đặc biệt, quan tâm nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, quy trình thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, đồng thời, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng vật tư và xử lý chất thải nông nghiệp; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm và sử dụng các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, phát triển công nghiệp chế biến sâu cũng là một trong những giải pháp cần được quan tâm nhằm tăng sản phẩm được chế biến. Đồng thời, hình thành các cụm công nghiệp dịch vụ, công nghiệp phụ trợ cùng với đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ, nhất là ở những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn...
Theo TTXVN