Phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới hậu Covid: Những gợi mở chính sách
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:35, 16/09/2020
(BKTO) - Đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, thời kỳ hậu Covid-19 sẽ mang lại cơ hội vàng cho phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG). Để tận dụng được cơ hội và khắc phục những cản trở do Covid-19 gây ra, Việt Nam cần ban hành một số chính sách then chốt về thông quan, logistics…
Đại dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến.Ảnh minh họa
Covid-19 tác động hai chiều đến thương mại điện tử xuyên biên giới
Giai đoạn 2014-2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam đạt trung bình trên 30%/năm. Dự kiến, quy mô thị trường này sẽ đạt 33 tỷ USD vào năm 2025 (đứng thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan). Trong đó, TMĐTXBG đã xuất hiện và phát triển nhanh chủ yếu dưới hình thức nhập khẩu hàng hóa thông qua các đơn hàng trên các sàn giao dịch TMĐT của Amazon, Alibaba hoặc qua mạng xã hội như Facebook giữa cá nhân với cá nhân. Xu hướng xuất khẩu hàng hóa thông qua TMĐTXBG cũng đang tăng lên, hiện có khoảng 1.000 DN tham gia các sàn TMĐT lớn như Alibaba và khoảng 200 DN tham gia trên Amazon. Ngoài ra, các DN cũng đã xây dựng website bán hàng riêng.
Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực và tích cực đến TMĐT nói chung và TMĐTXBG nói riêng. Tại Việt Nam, trong số 4 nền tảng TMĐT dẫn đầu thị trường thì 3 nền tảng Tiki, Lazada và Sendo có số lượng khách hàng truy cập sụt giảm mạnh so với cùng kỳ và các quý cuối năm 2019. Chỉ có nền tảng Shopee giảm trong quý III và IV/2019 nhưng đã lấy lại đà tăng vào quý I/2020.
Khi xảy ra đại dịch, hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam đã thực hiện giãn cách xã hội. Điều này đã khiến người tiêu dùng thay đổi thói quen mua hàng, từ thương mại truyền thống sang mua bán trực tuyến, đồng thời thúc đẩy các DN hoạt động trong lĩnh vực TMĐT, logistics thực hiện chuyển đổi số nhằm hỗ trợ giao hàng đến tận nhà.
Ông Gijae Seong - Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á, Australia và New Zealand - cho rằng: “Việt Nam là một quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển TMĐTXBG nhờ lợi thế trong ngành sản xuất, nguồn cung ứng lao động dồi dào, với nhiều tài năng trẻ và cộng đồng mạng lớn”.
Vấn đề đặt ra là thời kỳ hậu Covid-19, Việt Nam có tận dụng được những lợi thế quốc gia và sự thay đổi mạnh mẽ hành vi, thói quen mua hàng của người tiêu dùng để thúc đẩy TMĐTXBG phát triển hay không. Điều này phụ thuộc vào kết quả khắc phục những vướng mắc nảy sinh từ hoạt động TMĐTXBG, nhất là trong bối cảnh hoạt động này chịu nhiều tác động tiêu cực của Covid-19.
Thực tiễn cho thấy, công tác quản lý TMĐTXBG ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến: cơ chế thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu dưới hình thức TMĐTXBG; công tác quản lý chuyên ngành, kiểm tra chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK); việc triển khai và áp dụng cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và một cửa ASEAN (ASW). Chính sách hỗ trợ của Chính phủ về thuế, bảo hiểm xã hội và chính sách khuyến khích chuyển đổi số tại các DN tham gia TMĐTXBG thời hậu Covid-19 còn triển khai chậm.
Bên cạnh đó, Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng xuyên biên giới, suy giảm năng lực cung cấp dịch vụ của các công ty logistics trong TMĐTXBG. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng khiến đại lý làm thủ tục hải quan phải tạm ngừng hoạt động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc cung cấp dịch vụ mua bán ủy thác liên quan đến TMĐTXBG. Việc triển khai các chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức, kỹ năng… cho cộng đồng DN giữa các sàn giao dịch điện tử trong nước, các DN cung ứng hàng XNK trong nước với các sàn giao dịch TMĐT lớn trên thế giới cũng bị chậm lại. Mặt khác, việc ứng dụng phần mềm liên quan đến mua hàng điện tử tại các tập đoàn, công ty vận tải còn nhiều hạn chế.
Hoàn thiện 5 nhóm chính sách then chốt
Để khắc phục những cản trở do Covid-19 gây ra và tận dụng được cơ hội phát triển TMĐTXBG, Việt Nam cần nghiên cứu, hoàn thiện 5 nhóm chính sách then chốt sau:
Thứ nhất, đối với nhóm chính sách cấp bách và quan trọng: hỗ trợ thông quan hàng hóa xuất khẩu, Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định và Thông tư hướng dẫn Quyết định số 431/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Cùng với đó, Tổng cục Hải quan cũng cần sớm xây dựng dự thảo quy trình quản lý đối với hàng hóa mua bán qua TMĐTXBG như: quy trình, thủ tục hải quan, cách xác định trị giá hải quan và mã hàng hóa; quy chế vận hành hệ thống dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; quy định về quản lý chuyên ngành…
Thứ hai, Chính phủ nên khuyến khích DN triển khai nhanh chương trình chuyển đổi số, áp dụng logistics điện tử trong các khâu: vận tải (công nghệ just in time), ứng dụng công nghệ thông tin vào hệ thống kho hàng, dây chuyền phân chia hàng tự động hoặc phần mềm kiểm soát kho hàng, phần mềm theo dõi và truy xuất thực trong giao hàng, xử lý logistics ngược đối với hàng bị trả lại… Cần xây dựng và triển khai Đề án cấp quốc gia về thúc đẩy chuyển đổi số trong DN, trong đó quy định kinh doanh logistics được hưởng một số ưu đãi.
Thứ ba, để hỗ trợ DN xuất khẩu hàng hóa thông qua TMĐTXBG, Bộ Công Thương cần nhân rộng mô hình hỗ trợ kết nối DN trong nước với các DN TMĐT lớn trên thế giới như: Alibaba, Amazon, Ebay thông qua chương trình xuất khẩu qua TMĐT, phát triển thương hiệu Việt Nam trên sàn TMĐT, đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam về TMĐT...
Thứ tư, Chính phủ nên quy định mua sắm công thông qua sàn TMĐT nhằm minh bạch hóa quy trình mua sắm công và tiết kiệm thời gian, tài chính; tập huấn nghiệp vụ mua sắm công điện tử (E-public procurement) với đối tác nước ngoài; khuyến khích DN chuyển đổi số trong hoạt động đầu vào, khuyến khích mở rộng giao dịch mua hàng với nhà cung ứng ở nước ngoài trên các sàn TMĐT; hoàn thiện cơ sở pháp lý về hóa đơn điện tử, thanh toán điện tử, đấu thầu điện tử; tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng về mua hàng qua các sàn TMĐTXBG và trên website bán hàng nước ngoài để tránh rủi ro. Nhóm chính sách này giúp hỗ trợ DN và người tiêu dùng mua hàng hiệu quả thông qua TMĐTXBG.
Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực cho TMĐT và TMĐTXBG phải vừa là giải pháp cấp bách vừa là giải pháp lâu dài. Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Hiệp hội TMĐT Việt Nam và các trường đại học, học viện triển khai hiệu quả chương trình đào tạo cử nhân, cao đẳng về kinh doanh TMĐT; Bộ Công Thương và các công ty kinh doanh TMĐT tổ chức đào tạo ngắn hạn cho các DN tham gia giao dịch qua sàn TMĐT…
TS. VŨ DUY NGUYÊN
Học viện Tài chính