Ngắt mạch giao dịch chứng khoán: Biện pháp khả thi giúp thị trường vận hành ổn định, an toàn hơn
Kinh tế - Ngày đăng : 08:55, 16/09/2020
(BKTO) - Tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có thể ngắt mạch giao dịch khi thị trường quá biến động đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Giới chuyên gia nhận định, biện pháp này là rất cần thiết và hoàn toàn khả thi vì đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Chứng khoán Việt Nam vẫn cần thêm nhiều công cụ hỗ trợ nhà đầu tư.Ảnh: TTXVN
Xu hướng của các sàn chứng khoán lớn trên thế giới
Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, trái phiếu DN, chứng quyền có bảo đảm được niêm yết, đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán, ngắt mạch thị trường là cơ chế tạm dừng giao dịch tự động trong phiên giao dịch khi giá chứng khoán hoặc chỉ số chứng khoán biến động chạm các ngưỡng xác định trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở giao dịch chứng khoán.
Dự thảo Thông tư nêu rõ: Sở giao dịch chứng khoán quy định cơ chế ngắt mạch thị trường sau khi được UBCKNN chấp thuận. Căn cứ điều kiện thực tiễn của thị trường, UBCKNN quyết định việc áp dụng cơ chế ngắt mạch thị trường và/hoặc cơ chế biên độ dao động giá.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sau sự sụp đổ của thị trường trong ngày Thứ Hai đen hồi năm 1987 ở Mỹ, các biện pháp kiềm chế giao dịch hay ngắt mạch/ngắt cầu dao thị trường chứng khoán (TTCK) đã được nhiều quốc gia áp dụng nhằm giảm bớt sự biến động của thị trường và các đợt bán tháo lớn.
Đơn cử tại Mỹ, khi chỉ số chứng khoán giảm 7%, hệ thống sẽ kích hoạt cơ chế ngắt mạch cấp độ 1, giao dịch tạm dừng 15 phút để nhà đầu tư suy nghĩ lại. Hai cấp độ tiếp theo sẽ được kích hoạt nếu chỉ số chứng khoán giảm ở mức 13% và 20%. Ở cấp độ 2, thời gian dừng giao dịch vẫn là 15 phút, nhưng sang cấp độ 3, chứng khoán Mỹ sẽ dừng cả phiên giao dịch. Còn tại Hàn Quốc, TTCK sẽ tạm ngưng trong 20 phút nếu chỉ số Kospi hoặc chỉ số Kosdaq giảm hơn 20% so với giá đóng cửa phiên trước đó. Công cụ ngắt mạch chỉ có thể được kích hoạt 1 lần trong 1 ngày.
Đối với Hong Kong, công cụ ngắt mạch chỉ áp dụng với các cổ phiếu cấu thành chỉ số Hang Seng và chỉ số Hang Seng China Enterprise. Việc ngắt mạch được dựa trên giá tham chiếu, tức giá chứng khoán được giao dịch 5 phút trước đó. Nếu một mã chứng khoán tăng hoặc giảm 5% so với giá tham chiếu thì trong vòng 5 phút sau khi công cụ ngắt mạch được kích hoạt, nó chỉ được phép giao dịch trong biên độ biến động cố định là 10%. Từ tháng 5/2020, Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong sẽ mở rộng phạm vi áp dụng công cụ ngắt mạch cho hơn 500 cổ phiếu khác.
Ở Ấn Độ, công cụ ngắt mạch được kích hoạt khi chỉ số Nifty 50 hoặc chỉ số Sensex vượt quá giới hạn quy định. Nếu một hoặc cả hai chỉ số này tăng hoặc giảm quá 10%, 15% hoặc 20% so với mức đóng cửa ngày hôm trước, giao dịch trên thị trường sẽ bị tạm ngưng. Tùy theo giới hạn nào bị phá vỡ, TTCK sẽ phải tạm dừng 15 phút, 1 giờ 45 phút hoặc thậm chí cả ngày.
Từ đầu năm nay, các đợt bán tháo ồ ạt đã khiến nhiều TTCK trên thế giới như: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản phải kích hoạt công cụ ngắt mạch thị trường. Theo CNBC, trong tương lai gần, sự kiện hiếm thấy này có thể sẽ trở nên phổ biến trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về tác động của dịch Covid-19.
Thêm công cụ hỗ trợ thị trườngvà nhà đầu tư
Giám đốc Môi giới hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam Huỳnh Minh Tuấn cho hay, khi thị trường rơi vào khủng hoảng, thực tế đã có nhiều phương án giải cứu nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Ngay cả công cụ điều tiết bằng cách thu hẹp biên độ biến động giá chứng khoán trong ngày từ 10% (như bình thường) giảm còn 1 - 2% cũng thất bại.
Hơn thế, theo ông Tuấn, xử lý khủng hoảng tâm lý cũng không thể đóng cửa thị trường vì rất nguy hiểm, tạo sự dồn nén, gia tăng nỗi sợ. Chẳng hạn, trong thời gian dịch Covid-19, Philippines từng đóng cửa thị trường 2 ngày, sau đó mở lại, lập tức, thị trường bị giảm tới 24%. Tình huống hoảng loạn, cuối ngày, Chính phủ phải ra công bố trấn an. Bởi vậy, ông Tuấn nhận định, trong các phương án, “ngắt cầu dao” vẫn là khả thi nhất.
Đồng quan điểm, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh cho rằng, khi thị trường giảm quá đà, việc UBCKNN có quyền tạm ngừng giao dịch và điều chỉnh biên độ là cần thiết và phù hợp. Đặc biệt, với những nhà đầu tư phải vay để đầu tư lướt sóng chứng khoán, nếu không có chế độ tự ngắt, có khả năng nhiều tài khoản bị “cháy”, rơi vào thua lỗ. Đó là điều thị trường không mong muốn. Chưa kể, nhiều người lướt sóng thua lỗ, phải bán chứng khoán càng gây thêm sức ép lên thị trường.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thành Thành Công Đặng Văn Thành cũng nhấn mạnh, có những tình thế bắt buộc cơ quan quản lý phải can thiệp kịp thời, “ngắt cầu dao” là một trong những biện pháp cần thiết như vậy. Việc làm này sẽ tạo niềm tin và tính bảo vệ trên thị trường, ngoài ra có thể điều chỉnh giờ mở cửa thị trường, các yếu tố đủ giúp thị trường “tỉnh giấc”.
Có người đặt câu hỏi, liệu “ngắt cầu dao” được áp dụng lúc này có muộn? Ông Thành cho rằng, chúng ta cần nhìn vấn đề để hoàn thiện thị trường, bởi chứng khoán Việt Nam vẫn cần thêm nhiều công cụ hỗ trợ nhà đầu tư. Giới phân tích cũng cho rằng, một khi thị trường còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa có nhiều kinh nghiệm thì họ dễ bị dao động tâm lý. Vì thế, hoàn thiện cơ chế giao dịch, trong đó có “ngắt cầu dao” là một cách giúp thị trường vận hành ổn định hơn, góp phần bảo vệ tài sản của người sở hữu cổ phiếu, đưa TTCK trở thành nơi gọi vốn cho nền kinh tế.
HỒNG NHUNG