Kiểm toán Nhà nước đạt kết quả toàn diện trong công tác phòng, chống tham nhũng
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:05, 21/09/2020
(BKTO) - Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) của KTNN từ khi thành lập Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN (ngày 01/02/2013) đến nay, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, công tác PCTN trong hoạt động kiểm toán nhà nước đã được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt.
Công tác PCTN trong hoạt động kiểm toán nhà nước đã đạt được kết quả toàn diện. Ảnh tư liệu
Góp phần phòng, chốngtham nhũng hiệu quả
Hoạt động kiểm toán của KTNN những năm qua đã tập trung vào các vấn đề nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, tham nhũng, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kịp thời phát hiện những sai sót trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, từ đó kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc quản lý và sử dụng NSNN, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng.
Cụ thể, trong giai đoạn từ 01/01/2013 - 30/6/2020, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính sau kiểm tra là 396.270 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 86.448 tỷ đồng, giảm chi NSNN 84.612 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 225.210 tỷ đồng. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 952 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Trong đó, không ít hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm phát hiện qua kiểm toán đã được KTNN chuyển sang cơ quan Cảnh sát điều tra. Cụ thể, từ năm 2013 đến nay, KTNN đã chuyển 22 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; cung cấp 476 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Tuy nhiên, KTNN nhận định, kết quả kiểm toán PCTN mới phát huy hiệu quả cao ở khía cạnh phòng ngừa do việc phát hiện xử lý tham nhũng còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán mặc dù chuyển biến tích cực song còn tới gần 30% kiến nghị xử lý tài chính chưa được thực hiện kịp thời. Số liệu tổng hợp cho thấy, trong giai đoạn 2013-2018, số kiến nghị tài chính đã thực hiện là 222.163 tỷ đồng/306.983 tỷ đồng, tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt 73,36%. Nguyên nhân do một số Bộ, ngành, địa phương chưa tích cực đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN. Mặt khác, Nhà nước chưa có chế tài xử lý đối với các đơn vị không thực hiện kiến nghị của KTNN. Do đó, còn tình trạng đơn vị được kiểm toán không tiếp tục thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN, vì thế, một số kiến nghị xử lý về tài chính còn kéo dài nhiều năm. Bên cạnh đó, một số dự án vẫn chưa thanh toán hết hợp đồng hoặc đang trong quá trình quyết toán để thanh toán nên chưa thực hiện kiến nghị kiểm toán…
Chủ động hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng
Dựa trên những kết quả đạt được và từ bất cập nêu trên, KTNN xác định trong thời gian tới tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, nhất là Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”. Theo đó, Đảng ủy KTNN sẽ tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác PCTN, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong các hoạt động của KTNN.
Từ năm 2013 đến nay, toàn Ngành đã không để xảy ra trường hợp tham nhũng trong hoạt động kiểm toán. Để đạt được điều đó, KTNN đã và đang xây dựng hoàn thiện các quy trình, nghiệp vụ kiểm toán chặt chẽ, hạn chế tối đa việc can thiệp vào kết quả kiểm toán nhằm ngăn ngừa, PCTN. Do đó, trong số các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, KTNN sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của KTNN, tập trung xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, các văn bản hướng dẫn Hệ thống Chuẩn mực KTNN, quy trình, mẫu biểu, hồ sơ kiểm toán, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng… để minh bạch hóa các hoạt động kiểm toán góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Bên cạnh đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, KTNN sẽ chủ động hơn nữa trong công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán, tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, đặc biệt là vai trò của Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm đối với sai phạm pháp luật phát hiện qua kiểm toán; xử lý nghiêm mọi đối tượng có hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt và gây thiệt hại do tham nhũng.
Hơn nữa, KTNN sẽ tập trung vào công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai, kịp thời tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan khác có liên quan; chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; theo dõi và có giải pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, đôn đốc thực hiện dứt điểm các kiến nghị qua kiểm tra nhiều năm chưa thực hiện. Đặc biệt, tăng cường phối hợp giữa KTNN với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTN, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, KTNN tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công. Chủ động chuyển, cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ kết quả, bằng chứng kiểm toán cho cơ quan điều tra, thanh tra, viện kiểm sát xem xét, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
H.THOAN