Cộng hòa Séc: Cơ quan Kiểm toán Tối cao cáo buộc Bộ Tài chính vi phạm Luật Ngân sách

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 09:10, 02/04/2015

(BKTO) - Cơ quan Kiểm toán Tối cao Cộng hòa Séc (SAO) vừa tiến hành một cuộc kiểm toán, trong đó đã điều tra về cách thức quản lý quỹ thuộc NSNN năm 2013 tại Bộ Tài chính. Các kiểm toán viên của SAO phát hiện nhiều khoản tiền đã bị chi dùng trái quy định của Luật Ngân sách quốc gia với con số lên tới 2,3 tỷ Cuaron cho những chương trình, dự án thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan khác, trong đó có Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa.



Trụ sở Bộ Tài chính Cộng hòa Séc tại thủ đô Praha. Ảnh: ST
Cuộc kiểm toán được tiến hành theo yêu cầu của Hạ viện Cộng hòa Séc đối với hoạt động quản lý các khoản tiền thuộc hạng mục quản lý ngân khố chung trong năm 2013. Theo quy định của Cộng hòa Séc, hạng mục quản lý ngân khố chung này nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Tài chính bao gồm các khoản dự phòng NSNN chỉ dùng cho các khoản chi khẩn cấp và ngoài dự kiến. Qua kiểm toán, SAO phát hiện 442,9 triệu Cuaron từ quỹ dự phòng nói trên đã chi cho các khoản có thể dự đoán trước, trái với quy định của pháp luật. Đồng thời, SAO cũng chỉ ra thiếu sót của Bộ Tài chính khi đã không rà soát việc các đơn vị quản lý có xem xét đến khoản tiền từ nguồn tự chủ trước tiên hay không, như Luật Ngân sách đã quy định.

Bộ Tài chính đã tỏ ra không đồng tình với những kết quả mà SAO đưa ra. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Cộng hòa Séc hôm 16/3 vừa qua, ông Radek Ležatka - phát ngôn viên của Bộ Tài chính, cho rằng: “Chính phủ và Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định việc sử dụng khoản tiền trong dự phòng ngân sách của Chính phủ để đáp ứng những nhu cầu về ngân sách trong các trường hợp chưa đủ tiền và cho các khoản chi tiêu cần thiết và không thể phỏng đoán trước”.

Cũng theo kết quả kiểm toán, Bộ Ngoại giao đã thu về khoản tiền lên tới 124,5 triệu Cuaron, trong đó 75 triệu Cuaron được sử dụng cho các khoản đóng góp phí thành viên tại các tổ chức quốc tế (đây là những khoản chi thuộc về chi tiêu bắt buộc của Bộ Ngoại giao). Một ví dụ khác, đó là Bộ Văn hóa đã thu được 50,5 triệu Cuaron từ chi phí tổ chức các sự kiện như Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary (KVIFF), Liên hoan phim quốc tế Febiofest hay Lễ hội âm nhạc mùa xuân Praha. Hơn nữa, Bộ Văn hóa đã sử dụng 17 triệu Cuaron trong ngân sách dự phòng để chi trả chi phí tổ chức lễ kỷ niệm truyền bá phúc âm của Thánh Cyril's và Methodius lần thứ 1150 tại Great Moravia mà đã được hoạch định từ năm 2012. Các trường hợp nêu trên đều là các khoản chi tiêu có thể dự đoán trước.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng sử dụng vốn dự phòng ngân sách với số tiền 355 triệu Cuaron cho hai chương trình ISPROFIN (hệ thống thông tin để tài trợ dự án). Theo chương trình phát triển và hiện đại hóa cơ sở vật chất và kỹ thuật trong lĩnh vực giáo dục, 93,4 triệu Cuaron đã được phân bổ trong năm 2013 mặc dù lĩnh vực này lẽ ra phải thuộc thẩm quyền chi trả của Bộ Giáo dục và các đơn vị địa phương. Ở đây không có một phương pháp rõ ràng quy định cho quá trình lựa chọn và Bộ Tài chính tự đưa ra quyết định lựa chọn dự án. Năm 2013, theo chương trình “Những hoạt động được tài trợ theo quyết định của Hạ viện và Chính phủ”, Bộ Tài chính đã quyết định chi dùng khoản tiền lên đến 261,3 triệu Cuaron, trong đó có 103,4 triệu Cuaron bị cáo buộc là sử dụng trái với các quy định của Luật Ngân sách. Ông Ležatka đã nhấn mạnh rằng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Andrej Babiš đã đưa ra một số quy định rất minh bạch về việc lựa chọn các dự án trong nỗ lực nhằm tăng cường năng lực cho các trường tiểu học ở những khu vực bị ngoại ô hóa. Song cho tới nay, người ta vẫn chưa rõ quy chế nào được áp dụng trong các quá trình lựa chọn và phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án đó.

Từ kết quả kiểm toán SAO đưa ra kết luận, những quyết định trên ít nhất đã không đảm bảo được tính minh bạch và Bộ Tài chính cần giải trình lại các hạng mục chi tiêu sai theo kết quả kiểm toán.

Với sự độc lập trong hoạt động, SAO thực thi các chức năng của mình mà không phụ thuộc vào thẩm quyền lập pháp (Nghị viện) hay thẩm quyền hành pháp (Chính phủ). SAO kiểm toán việc quản lý tài sản và nguồn tài chính công, đồng thời kiểm toán các hạng mục doanh thu và chi tiêu từ NSNN theo yêu cầu của Hạ viện, Chính phủ và các Bộ, ngành. Mô hình hoạt động hiện nay của SAO kế thừa kinh nghiệm của các tổ chức kiểm toán tương tự tại châu Âu, đáp ứng các nguyên tắc và khuyến nghị theo Tuyên bố Lima của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI).
NGỌC QUỲNH
Theo Praguepost