Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018: Kỳ I - Bất cập từ khâu lập và giao dự toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:35, 21/09/2020

(BKTO) - Kết quả kiểm toán năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018 của KTNN tiếp tục chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế đã diễn ra nhiều năm nay, trong đó có tình trạng lập dự toán thu, chi NSNN không sát thực tế; giao dự toán chậm, không đúng đối tượng và khả năng đáp ứng của NSNN…



KTNN chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế trong lập dự toán thu, chi NSNN. Ảnh: Tạ Huy

Thu vượt do lập dự toánkhông sát

Năm 2018, Quốc hội quyết định và Chính phủ giao dự toán thu là 1.423.200 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn nhà nước tại một số DN) là 867.700 tỷ đồng. Qua kiểm toán cho thấy, dự toán thu nội địa Chính phủ lập và giao tăng 8,73% so với ước thực hiện năm 2017 (nếu loại trừ thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn nhà nước tại một số DN thì tăng 12,5% so với ước thực hiện năm 2017). Tuy nhiên, tổng số thu nội địa (trừ thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại) do các địa phương lập chỉ tăng 8,9% so với ước thực hiện năm 2017, thấp hơn mức tăng tối thiểu bình quân (từ 12 - 14%); trong đó, 10 địa phương lập dự toán thu nội địa năm 2018 thấp hơn ước thực hiện năm 2017. Việc lập dự toán thu tiền sử dụng đất chỉ bằng 58% so với ước thực hiện năm 2017 và T.Ư giao dự toán bằng 86,5% so với ước thực hiện năm 2017 là chưa sát với khả năng của nguồn thu, dẫn đến thực hiện vượt 72% so với dự toán. Đây là nguyên nhân nhiều năm liền việc thực hiện thu từ sử dụng đất vượt cao so với dự toán (năm 2016 đạt 199,24%; năm 2017 đạt 196,88%; năm 2018 là 182,71%).

Bên cạnh đó, dự toán thu xuất, nhập khẩu do Chính phủ lập và giao bằng 99,3% so với ước thực hiện năm 2017 (283.000/285.000 tỷ đồng) là chưa đảm bảo tỷ lệ tăng từ 5 - 7% so với yêu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến thực hiện thu xuất, nhập khẩu năm 2018 vượt 11,08% dự toán giao (314.362/283.000 tỷ đồng). Trường hợp loại trừ yếu tố tác động do cắt giảm thuế hội nhập 30.150 tỷ đồng thì dự toán thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2018 do Chính phủ lập bằng 109,8% ước thực hiện năm 2017. Trong công tác hoàn thuế, Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng đầu năm là 104.000 tỷ đồng, thấp hơn số địa phương lập (114.053 tỷ đồng) và chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn vượt dự toán Quốc hội quyết định 7.783 tỷ đồng.

Phân bổ, giao dự toánchi vượt khả năng đáp ứngcủa NSNN

Liên quan đến dự toán chi thường xuyên, báo cáo của KTNN cho biết, dự toán Quốc hội quyết định và Chính phủ giao là 976.515 tỷ đồng, bằng 64,1% tổng dự toán chi NSNN. Kết quả kiểm toán cho thấy, Bộ Tài chính tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 đối với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đào tạo và dạy nghề cho các địa phương kèm theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg ngày 19/10/2016 không phù hợp thực tế đã giao các năm trước, không sử dụng được để làm căn cứ xác định số bổ sung cân đối năm đầu thời kỳ ổn định từ ngân sách trung ương (NSTƯ) cho các địa phương. Điều này dẫn đến 16/16 tỉnh được chọn kiểm toán đều phải tính bổ sung chi sự nghiệp giáo dục theo quỹ tiền lương để đảm bảo “tỷ lệ chi tiền lương, phụ cấp, các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn) tối đa 82%” làm cơ sở xác định số bổ sung cân đối của NSTƯ cho ngân sách địa phương thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020. Tuy nhiên, việc tính bổ sung chi sự nghiệp giáo dục thông qua quỹ tiền lương nêu trên không có hướng dẫn cách thức xác định để áp dụng thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, không đảm bảo tính công bằng, khách quan giữa các địa phương dẫn đến có địa phương xác định quỹ lương cao thì số được bổ sung cân đối cao.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tính lương cho giáo viên mầm non được các địa phương hợp đồng trong cơ cấu chi thường xuyên để xác định số bổ sung cân đối của NSTƯ cho địa phương không thuộc tiêu chí bổ sung theo quy định tại Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg và không phù hợp với nguyên tắc hỗ trợ (NSTƯ hỗ trợ có mục tiêu theo tỷ lệ điều tiết; không phải nội dung tính trong tổng chi để xác định số bổ sung cân đối còn thiếu), cũng như không thống nhất giữa các địa phương (chỉ có 3/16 tỉnh được kiểm toán được Bộ Tài chính bổ sung cân đối để chi lương cho giáo viên mầm non hợp đồng).

Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra những bất cập trong công tác lập dự toán chi đã tái diễn nhiều năm qua. Đó là, một số Bộ, ngành, cơ quan TƯ lập dự toán chi không sát thực tế và khả năng đáp ứng của NSNN; lập dự toán một số khoản chi chưa đúng nguồn kinh phí, không có trong quy định; lập dự toán chi đối với các nhiệm vụ chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giao dự toán chưa đúng quy định theo Quyết định số 46/2016/QĐ-TTg. Ngoài ra, một số Bộ, cơ quan T.Ư còn có trường hợp phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc chưa phù hợp theo quy định.

Tại một số địa phương, việc lập dự toán chưa căn cứ trên cơ sở tổng hợp dự toán của các đơn vị dự toán; lập dự toán chi quản lý hành chính, Đảng, đoàn thể chưa gắn với lộ trình tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức; giao dự toán cho đơn vị cấp dưới chậm so với quy định của Luật NSNN; giao dự toán chi một số lĩnh vực chưa phù hợp định mức phân bổ của HĐND, giao không có nhiệm vụ cụ thể; giao không đủ số tiết kiệm chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương. Đáng chú ý, một số địa phương giao dự toán chi hành chính chưa phù hợp quy định như: tỉnh Bình Dương giao vượt 489 biên chế so với T.Ư giao, tỉnh Bình Thuận giao vượt 1.014 biên chế.

Kết quả kiểm toán cũng chỉ rõ, một số địa phương chưa bố trí tối thiểu 10% hoặc bố trí chưa đủ từ nguồn thu sử dụng đất để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; chưa bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020; giao dự toán lĩnh vực giáo dục đào tạo và dạy nghề thấp hơn mức T.Ư giao; bố trí dự phòng ngân sách tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; giao dự toán cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp chưa đúng quy định; điều chỉnh dự toán đã giao cho đơn vị sử dụng ngân sách sau ngày 15/11/2018.

Đ.KHOA