Nguy cơ gia tăng căng thẳng Trung Quốc-Mỹ sau phán quyết của WTO
Đối nội - Ngày đăng : 18:35, 17/09/2020
(BKTO)- Liên quan đến những khiếu nại của Trung Quốc về các mức thuế bổ sung mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng trăm tỷ USD hồi năm 2018, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa mới đưa ra phán quyết cho rằng việc Mỹ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc đã đi ngược lại các quy định thương mại toàn cầu. Động thái này ngay lập tức đã vấp phải phản ứng của Mỹ và được cho là một bước đi có thể khiến quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, cũng như với WTO, tiếp tục xấu đi.
Ảnh minh họa - Nguồn: sưu tầm. |
Phán quyết của WTO
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã chính thức bị thổi bùng lên kể từ tháng 7-2018 khi Mỹ quyết định áp thuế nhập khẩu mức 25% với lượng hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD trong đợt áp thuế đầu tiên, và còn nhiều đợt áp thuế sau đó. Sau 2 năm, đến nay chính quyền Mỹ đã áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá hơn 550 tỷ USD từ Trung Quốc.
Tiến hành cuộc “chiến tranh thương mại” với Trung Quốc, Tổng thống Trump hy vọng gỡ lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc, thu về những lợi ích kinh tế lâu dài, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tiếp tục duy trì vị thế kinh tế, công nghệ thống trị thế giới của mình và kiềm chế được sự trỗi dậy của Bắc Kinh.
Phản ứng với các hành động áp thuế của Mỹ, ở thời điểm đó mặc dù cho rằng không muốn “chiến tranh thương mại” với Mỹ nhưng Trung Quốc cũng đã có hành động đáp trả tương tự khi áp các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.
Ngoài ra, để phản đối việc chính quyền Mỹ áp đặt thuế bổ sung với hàng hóa của mình, Bộ Thương mại Trung Quốc vào ngày 16/7/2018 đã tuyên bố nộp đơn kiện Mỹ ra trước WTO liên quan tới kế hoạch áp thuế bổ sung đối với hơn 200 tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc của Mỹ. Theo giới chức Trung Quốc, Mỹ đã phớt lờ các quy tắc thương mại thế giới đã được thiết lập và Trung Quốc có quyền bảo vệ nền kinh tế của nước này.
Trung Quốc khiếu nại rằng cách áp thuế này của Mỹ không được áp dụng cho tất cả các thành viên WTO. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cáo buộc các khoản thuế tăng cường của Mỹ đã vi phạm một qui định then chốt về giải quyết tranh chấp trong WTO, theo đó yêu cầu mọi nền kinh tế thành viên tổ chức phải giải quyết tranh chấp thông qua WTO, trước khi có thể áp dụng những đòn trả đũa nhằm vào một thành viên khác. Vào những năm 1990 của thế kỷ trước, Mỹ cũng đã nhất trí tuân thủ tiến trình giải quyết tranh chấp của WTO trước khi áp dụng các hành động trả đũa thương mại.
Thế nhưng chính quyền Tổng thống Trump lại cho rằng việc Washington áp thuế bổ sung hàng hóa Trung Quốc là phù hợp với Điều 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, trong đó cho phép Tổng thống Trump áp thuế và các biện pháp hạn chế nhập khẩu khác bất cứ khi nào một nước nào đó có hành động thương mại bất bình đẳng ảnh hưởng tới hoạt động thương mại của Mỹ. Washington khẳng định các biện pháp thuế tăng cường là cần thiết để đối phó với những sự vi phạm tràn lan của Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ và các chính sách ép buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ để đổi lấy việc tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Sau một thời gian xét đơn khiếu nại của Trung Quốc, một Hội đồng gồm ba chuyên gia thương mại, do Cơ quan Giải quyết Tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thành lập, đã ra phán quyết vào ngày 15/9/2020, kết luận rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã vi phạm luật quốc tế khi áp thuế bổ sung đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo phán quyết, WTO nêu rõ “Mỹ đã không chứng tỏ được rằng các khoản thuế bổ sung áp với hàng trăm tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi năm 2018 và 2019 và có thể chứng minh được là cần thiết để bảo vệ các giá trị chung của Mỹ chiểu theo Thỏa thuận Chung về Thương mại và Thuế (GATT)”.
Phán quyết của WTO cũng cho rằng các mức thuế của Mỹ đi ngược lại các quy định thương mại vì chỉ áp dụng đối với Trung Quốc và cao hơn mức tối đa mà Mỹ đã cam kết. Theo phán quyết này, các biện pháp thuế quan của Mỹ cần phù hợp với những cam kết của nước này.
Ủy ban của WTO cũng cho biết chỉ xem xét các mức thuế của Mỹ chứ không xét tới các biện pháp trả đũa của Trung Quốc do Washington không đệ đơn kiện. Ủy ban này cũng khuyến khích hai nước cùng phối hợp để giải quyết tranh chấp trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu chưa từng có. Và dù phán quyết trên của WTO ủng hộ các khiếu nại của Trung Quốc thì Washington vẫn có thể phủ quyết quyết định này bằng cách đưa ra kháng cáo trong vòng 60 ngày tới.
Nguy cơ gia tăng căng thẳng
Ngay sau khi Ủy ban của WTO ra phán quyết trên, Bộ Thương mại Trung Quốc đã lên tiếng hoan nghênh động thái này, cho rằng quyết định của WTO là khách quan và chính xác. Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố nước này luôn coi WTO là hạt nhân của thể chế thương mại đa phương là nền tảng của thương mại quốc tế. Trung Quốc luôn kiên trì và bảo vệ nền tảng này, tôn trọng các quy định và phán quyết của WTO. Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc hy vọng Mỹ tôn trọng phán quyết của WTO và có hành động cụ thể để duy trì hệ thống giao thương đa phương.
Ở chiều ngược lại, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng WTO đã không hành động đủ để ngăn chặn các hoạt động công nghệ gây phương hại của Trung Quốc. Ông Lighthizer nhấn mạnh quyết định của WTO cho thấy tổ chức này không có giải pháp cho các hành vi không chấp nhận được của Trung Quốc. Ông Lighthizer khẳng định Mỹ phải được tự bảo vệ mình trước các hành động thương mại không công bằng và chính quyền Tổng thống Trump sẽ không cho phép Trung Quốc sử dụng WTO để lợi dụng người lao động, các doanh nghiệp, nông dân, và người chăn nuôi Mỹ.
Theo các chuyên gia, phán quyết trên của WTO được nhìn nhận như một bước thụt lùi, làm xói mòn nỗ lực tiến hành cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump nhằm vào Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump được cho là sẽ sớm có phản ứng trước phán quyết của WTO. Và dù phán quyết này là một sự khích lệ dành cho Bắc Kinh, song Washington vẫn có quyền phủ quyết phán quyết bằng việc đệ đơn kháng cáo trong khoảng thời gian 60 ngày tới.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng đánh giá phán quyết vừa đưa ra của WTO gần như sẽ không có tác động ngay lập tức với các biện pháp thuế quan của Mỹ mà chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình pháp lý có thể sẽ mất tới vài năm để thực thi. Tiến trình này cuối cùng cũng sẽ dẫn tới các biện pháp trả đũa của Trung Quốc được WTO chấp thuận-các động thái mà Trung Quốc vốn đã tự tiến hành trong thời gian qua. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa rõ những tác động của phán quyết trên bởi có một thực tế là hệ thống pháp lý hiện nay của WTO không hoạt động. Ủy ban phúc thẩm của WTO, cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết các đơn khiếu nại về tranh chấp thương mại hiện đang bị tê liệt vì bị Mỹ ngăn cản bổ nhiệm các thành viên mới từ cuối năm ngoái.
Dù phán quyết hầu như không thể ràng buộc pháp lý đối với Mỹ hay nói rộng hơn là đến thương mại Mỹ-Trung nhưng có thể chắc chắn một điều là phán quyết vừa đưa ra đã đổ thêm dầu vào mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Mỹ và WTO. Thực tế trong một năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần đe doạ rút khỏi tổ chức này nếu như WTO không cải cách. Ông lập luận “khung thuế quan lỗi thời” của WTO không còn phản ánh đúng tình hình kinh tế hiện nay. Một số nước giàu trên thế giới đang được coi là “những nước đang phát triển” và được hưởng lợi từ các chính sách của Tổ chức Thương mại thế giới, từ đó vô hình trung đã “vắt kiệt” Mỹ trong nhiều năm và khiến Mỹ thua gần như tất cả vụ kiện ở tổ chức thương mại này.
Bên cạnh đó, phán quyết mới của WTO cũng được cho là sẽ khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng. Thực tế sau thời gian dài chiến tranh thương mại, vào cuối năm 2019, các quan chức Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Tuy nhiên, đó chỉ được coi là một thỏa thuận "đình chiến", chứ chưa phải là một thỏa thuận giải quyết thỏa đáng các tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Và ngoài tranh chấp thương mại, quan hệ Mỹ-Trung còn căng thẳng trong nhiều lĩnh vực khác như vấn đề HongKong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), địa chính trị, quốc phòng, công nghệ, nguồn gốc dịch COVID-19, vấn đề thị thực.
Các nhà kinh tế cảnh báo những căng thẳng kéo dài giữa hai cường quốc hàng đầu này đang làm rối loạn các chuỗi nguồn cung, khiến giới đầu tư lo ngại và giảm lòng tin của các doanh nghiệp, do vậy làm gia tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo TTXVN