Cầu tín dụng vẫn yếu, nợ xấu có xu hướng tăng

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:00, 22/09/2020

(BKTO) - 9 tháng năm 2020, nhiều chỉ tiêu trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tín dụng vẫn tăng chậm, kiểm soát nợ xấu gặp nhiều khó khăn.


                
   

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì họp báo - Nguồn: thoibaonganhang.vn

   

Thông tin trên được đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại họp báo thông tin kết quả của hoạt động ngân hàng quý III/2020 diễn ra sáng nay (22/9).

Theo báo cáo, đến ngày 15/9, tổng phương tiện thanh toán M2 tăng 7,58% so với cuối năm 2019. Thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, tỷ giá USD/VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ.

Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, những tháng đầu năm, NHNN đã liên tiếp điều chỉnh giảm 2 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 1-1,5%/năm để hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng (TCTD), tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN; giảm 0,6 - 0,75%/năm trần lãi suất tiền gửi các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, hiện ở mức 5%/năm để hỗ trợ giảm chi phí vay vốn của DN và người dân.

Trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch Covid-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Đến ngày 14/9, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271 nghìn khách hàng với dư nợ 321 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485 nghìn khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ ngày 23/01 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310 nghìn khách hàng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 2%. 7 tháng đầu năm 2020, tổng nợ xấu được xử lý là khoảng 63,7 nghìn tỷ đồng. Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ ngày 15/8/2017 đến 31/5/2020 đạt trung bình khoảng 7,15 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 3,63 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tháng từ năm 2012 - 2017 của hệ thống các TCTD trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (trung bình khoảng 3,52 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trong 7 tháng đầu năm, tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ tăng 74,07% về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ, qua internet và qua điện thoại di động đều tăng lên so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, mặc dù nguồn vốn và thanh khoản của hệ thống TCTD dồi dào, sẵn sàng cung cấp đủ, kịp thời tín dụng cho nền kinh tế nhưng do cầu tín dụng còn rất yếu nên đến ngày 16/9, tín dụng mới tăng 4,81% so với cuối năm 2019.

Đặc biệt, dịch bệnh tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn trong thời gian tới, gia tăng nợ xấu toàn ngành, ảnh hưởng đến việc kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu của các TCTD cũng như việc thực hiện các mục tiêu đề ra tại phương án cơ cấu lại. Dự kiến, một số mục tiêu tại Đề án Cơ cấu lại các TCTD khó có khả năng hoàn thành vào cuối năm 2020, trong đó có mục tiêu về kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, 3 tháng cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; đảm bảo ổn định thị trường, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

NHNN cũng sẽ chỉ đạo TCTD triệt để tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, đơn giản hóa quy trình thủ tục, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách cấp tín dụng nhằm hỗ trợ các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho các DN tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, NHNN sẽ theo dõi, đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến khả năng hoàn thành các mục tiêu tại Phương án cơ cấu lại của các TCTD và an toàn hệ thống để đề xuất các giải pháp chỉ đạo, xử lý phù hợp; tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 làm cơ sở xây dựng Đề án này cho giai đoạn tiếp theo.

Hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán điện tử cũng sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, gắn với thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.../.
THÀNH ĐỨC