Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2030
Đối nội - Ngày đăng : 23:50, 23/09/2020
(BKTO)- Ngày 16/9, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký ban hành Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 về việc ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký.
UBTVQH biểu quyết thông qua việc ban hành Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030 tại Phiên họp thứ 47 - Ảnh: quochoi.vn |
Chiến lược nêu rõ, quan điểm phát triển của KTNN đến năm 2030 là: Thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển KTNN; tuân thủ các quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại.
Đồng thời, bảo đảm tính độc lập của hoạt động KTNN tương xứng với vị trí, vai trò là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; giữ vững giá trị cốt lõi Độc lập – Liêm chính – Chuyên nghiệp – Uy tín – Chất lượng; góp phần quan trọng vào sự phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Phát triển KTNN phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam; đáp ứng yêu cầu hội nhập phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế; là thành viên có trách nhiệm thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kiểm toán công trong khu vực và trên thế giới. Phát triển KTNN cũng phải gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và công nghệ thông tin trong mọi hoạt động.
Với quan điểm trên, Chiến lược xác định mục tiêu phát triển KTNN trong 10 năm tới phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao trách nhiệm giải trình và đảm bảo tính công khai, minh bạch của các cơ quan sử dụng NSNN, phục vụ hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ HĐND, UBND địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đảm bảo hoạt động công khải, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; góp phần quan trọng nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.
Công nghệ thông tin là một trong ba trụ cột phát triển của KTNN đến năm 2030 - Ảnh: Ngọc Bích |
Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Chiến lược đã xác định 7 mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện 7 nội dung, với những nhiệm vụ cần thực hiện trong mỗi giai đoạn (giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030) gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng kiểm toán; hội nhập và hợp tác quốc tế; phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao. Trong đó, ba trụ cột phát triển của KTNN trong giai đoạn tới được xác định là: khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ.
Đồng thời, Chiến lược cũng đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện thành công những nội dung đã đề ra; trong đó nhấn mạnh việc triển khai Chiến lược của KTNN phải bám sát nhiệm vụ mới, gắn với tình hình và bối cảnh cụ thể; chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành triển khai Chiến lược gắn với từng nội dung, thời kỳ và chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất cần thiết bảo đảm thực hiện Chiến lược...
UBTVQH yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với KTNN và các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện Chiến lược. Các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện các văn bản pháp lý đảm bảo cho KTNN thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp; hoàn thiện các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN nhằm đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật và dưới luật; chỉ đạo, giám sát, phối hợp và theo dõi việc thực hiện Chiến lược. Căn cứ vào Chiến lược, KTNN xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược để cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, chương trình chi tiết với lộ trình và điều kiện thực hiện cụ thể. Chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đầy đủ, kịp thời các nội dung của Chiến lược. Định kỳ rà soát, báo cáo UBTVQH về kết quả thực hiện và đề xuất điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Chiến lược. |
Đ. KHOA