Cần nghiên cứu, thực hiện những chủ đề kiểm toán mới
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 29/09/2020
(BKTO) - Năm 2019, KTNN chuyên ngành III thực hiện 3 cuộc kiểm toán chuyên sâu về công tác quản lý môi trường. Kết quả kiểm toán đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT), làm cơ sở để KTNN kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu điều chỉnh chính sách.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Ảnh tư liệu
Kiến nghị sửa đổi, ban hành 16 văn bản, phát hiện nhiều vấn đề nổi cộm
3 cuộc kiểm toán nêu trên tập trung vào các chủ đề: công tác quản lý môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tỉnh Bình Thuận; công tác quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội và công tác quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại các Bộ: Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Công Thương, Tài chính. Qua đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi 9 văn bản, ban hành mới 7 văn bản và phát hiện một số vấn đề nổi cộm.
Cụ thể, hệ thống pháp luật về BVMT cơ bản đã đầy đủ, tuy nhiên, một số quy định tại Luật BVMT, Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước… còn chưa thống nhất, gây khó khăn khi thực hiện. Nhiều nội dung về BVMT đã được luật hóa nhưng thiếu khả thi nên không thực hiện được.
Về cơ chế vận hành, vấn đề nổi cộm nhất ở Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là việc chồng lấn 525ha giữa Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân với Khu bảo tồn sinh thái Hòn Cau. KTNN chỉ rõ và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ TN&MT, UBND tỉnh Bình Thuận rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng này. Tại cuộc kiểm toán Nhà máy này, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận xử phạt chủ đầu tư dự án gần 1 tỷ đồng do khai thác, sử dụng nguồn nước biển và xả thải vào nguồn nước khi chưa có giấy phép.
Bên cạnh đó, việc phân công, phân cấp về quản lý môi trường còn chồng chéo. Kết quả kiểm toán công tác nhập khẩu phế liệu cho thấy, các cơ quan quản lý chưa phối hợp, còn đùn đẩy trách nhiệm xác định nguồn cung trong nước làm căn cứ tính toán khối lượng phế liệu nhập khẩu, thiếu cơ chế quản lý phế liệu nhập khẩu. Giai đoạn 2016-2018, tổng phế liệu nhập khẩu là 36 triệu tấn gồm: sắt, thép, giấy, nhựa. Tính toán tác động môi trường giữa việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và sản xuất trong nước, KTNN nhận thấy, để Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 sản xuất ra 36 triệu tấn thành phẩm cần khoảng 416.000 tấn hóa chất, tiêu thụ 15,8 tỷ kW điện (bằng lượng điện Nhà máy chạy hết công suất trong 2,2 năm). Nếu Nhà máy chạy trong 2,2 năm sẽ tiêu tốn 9,9 triệu tấn than, 4,6 triệu m3 nước và nước thải; thải ra môi trường 418 tỷ m3 khí thải và 3,6 triệu tấn chất thải, trong đó có những chất thải sẽ ảnh hưởng đến môi trường hàng trăm năm.
Ngoài ra, việc Bộ TN&MT không giám sát hết hoạt động cấp phép cho các DN tại địa phương đã dẫn đến tình trạng tồn đọng phế liệu. Kết quả kiểm toán cho thấy, còn 13.472 container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại 3 cảng chính: Hải Phòng, Sài Gòn và Vũng Tàu, trong đó, 8.234 container có thời hạn trên 90 ngày, thậm chí có container đã tồn đọng vài năm.
Qua kiểm toán công tác quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội, KTNN chỉ rõ: 82% bệnh viện được kiểm toán, đối chiếu không lắp đặt đồng hồ theo dõi lưu lượng xả nước thải; còn hiện tượng xả thải trực tiếp ra môi trường; hệ thống xử lý đã xuống cấp, không đáp ứng được khả năng xử lý; 86% bệnh viện được kiểm toán, đối chiếu có hồ sơ môi trường chưa đầy đủ, chủ yếu thiếu Giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT trước khi vận hành chính thức.
Kết quả kiểm toán còn phản ánh, việc áp dụng các biện pháp xử phạt trong lĩnh vực BVMT còn hạn chế. Công tác giám sát việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra chưa đầy đủ, kịp thời… dẫn đến tỷ lệ vi phạm quy định về BVMT vẫn cao.
Luôn đổi mới, sáng tạo trong hoạt động kiểm toánmôi trường
Từ 3 cuộc kiểm toán nói trên, KTNN chuyên ngành III đã rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp để tăng cường công tác kiểm toán môi trường (KTMT) sau:
Khi lựa chọn chủ đề, xây dựng kế hoạch KTMT hằng năm, ngoài những vấn đề nóng, được xã hội quan tâm, cần nghiên cứu những chủ đề kiểm toán mới, mang lại nhiều giá trị gia tăng trong tương lai như kiểm toán việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Năm 2021, KTNN chuyên ngành III được lãnh đạo KTNN giao chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán “Việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững” với 6 cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) các nước. Đây là chủ đề kiểm toán đang được dư luận quan tâm.
Các cuộc KTMT có thể được tổ chức kết hợp 3 loại hình kiểm toán: tài chính, tuân thủ và hoạt động nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hướng tới phát triển bền vững. Tăng cường áp dụng loại hình kiểm toán hoạt động vào KTMT, chú trọng sử dụng chuyên gia giỏi.
Hằng năm, KTNN chuyên ngành III sẽ đề xuất một chủ đề kiểm toán chuyên đề toàn Ngành về môi trường, xây dựng đề cương và quy chế phối hợp giữa KTNN chuyên ngành, khu vực trong thực hiện và tổng hợp kết quả kiểm toán.
Đổi mới phương pháp tiếp cận kiểm toán trên cơ sở tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán, coi đây là công cụ hỗ trợ đắc lực để tìm ra bằng chứng thuyết phục. Luôn đổi mới, sáng tạo từ khâu lập kế hoạch đến phát hành báo cáo kiểm toán, đặc biệt là việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu rủi ro, rút ngắn thời gian kiểm toán. Tích cực học hỏi kinh nghiệm từ các SAI để tiếp cận phương pháp kiểm toán mới. Đẩy mạnh việc sử dụng chuyên gia tư vấn, kiểm toán hiện trường, đối chiếu việc thực hiện quy định về BVMT, áp dụng hệ thống thông tin địa lý GIS... trong KTMT.
Tăng cường năng lực cho kiểm toán viên thông qua: hội nghị, hội thảo và các khóa đào tạo về môi trường, KTMT trong nước và quốc tế; khuyến khích cán bộ trong Ngành nghiên cứu khoa học về KTMT để có cơ sở lý luận tốt khi áp dụng vào thực tiễn; hợp tác kiểm toán với các SAI dưới hình thức kiểm toán song song hoặc kiểm toán chung.
ThS. ĐINH VĂN DŨNG
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III