Gia tăng hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường qua hoạt động kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:35, 29/09/2020
(BKTO) - Cuộc kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2014-2018 do KTNN khu vực I thực hiện trong năm 2019 có nhiều phát hiện, kiến nghị nổi bật. Kết quả này đã góp phần nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường.
KTMT được xác định là một nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Ảnh: M.Thúy
Chậm ban hành định mức, đơn giá,chưa đảm bảo cân đối ngân sáchcho môi trường
Qua kiểm toán, KTNN khu vực I nhận thấy: việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy trình, định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn còn chậm so với kế hoạch dẫn đến thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Theo tính toán của KTNN, nếu Hà Nội sớm ban hành và áp dụng được các quy trình, đơn giá mới từ năm 2014 thì việc này đã có thể tiết kiệm cho ngân sách số tiền lên tới 391 tỷ đồng (trong 3 năm 2014-2016).
Bên cạnh đó, công tác thu giá dịch vụ vệ sinh môi trường tại một số đơn vị chưa được đảm bảo so với kế hoạch, ảnh hưởng đến cân đối nguồn kinh phí chi trả cho công tác duy trì vệ sinh. Việc quản lý giá xử lý nước, rác chưa thống nhất và chưa theo quy định. Giai đoạn 2014-2018, mức phân bổ ngân sách địa phương cho kinh phí sự nghiệp môi trường có xu hướng giảm dần, không đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu thực tế của Thành phố. Cụ thể: năm 2014 bố trí dự toán 3,89%; năm 2015 là 4,08%; năm 2016 là 3,97%; năm 2017 là 3,1%; đến năm 2018 chỉ còn 2,18%. Trong đó, Thành phố dành tới 80 - 90% tổng chi cho việc thu gom, vận chuyển dẫn tới không còn kinh phí để thực hiện các nội dung quản lý môi trường khác. Đó là chưa kể đến việc sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho nhiệm vụ khác.
Theo thống kê, lượng rác sinh hoạt của Hà Nội mỗi ngày chuyển lên Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn luôn ở mức trên 4.000 tấn, có thời điểm lên tới 6.500 tấn/ngày. Tuy nhiên, giai đoạn 2014-2018, công nghệ xử lý rác chủ yếu của Trung Quốc với công suất nhỏ 100 - 150 tấn/ngày, cao nhất cũng chỉ 200 tấn/ngày. Ngoài ra, việc đầu tư 1 nhà máy công suất lớn tại 1 địa điểm là khu xử lý ở Sóc Sơn, thay vì đầu tư một số nhà máy phân bố ở các vùng khác nhau đã làm tăng chi phí vận chuyển ở các huyện xa và mỗi khi nhà máy gặp sự cố, cả TP. Hà Nội ùn ứ rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Cùng với đó, các dự án xử lý rác thải nằm trong danh mục dự án ưu tiên đề xuất đầu tư đến năm 2020 theo quy hoạch chưa thực hiện đúng tiến độ. Tương tự, các dự án xử lý nước thải kéo dài, công suất không đáp ứng được yêu cầu, đơn giá xử lý nước cũng không thống nhất. Hiện nay, công suất 6 nhà máy xử lý nước thải đã hoàn thành chỉ đạt được 27,08% so với tổng công suất dự kiến của Thành phố đến năm 2020. Đây chính là nguyên nhân khiến tình trạng ngập úng, ô nhiễm môi trường diễn ra thường xuyên mỗi khi mưa to ở Hà Nội.
Từ những phát hiện trên, KTNN kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo hướng dẫn các quận, huyện, thị xã rà soát, bổ sung nội dung điều khoản hợp đồng kinh tế để kiểm soát trách nhiệm của các nhà thầu; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn cũng như các quy định liên quan để đảm bảo quản lý chất lượng, làm cơ sở xây dựng khối lượng đấu thầu công việc duy trì vệ sinh môi trường. Đồng thời, các sở, ngành tham mưu UBND Thành phố trong việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện đề án giá dịch vụ thu gom vận chuyển rác thải; các cơ chế, chính sách xử lý nước thải, chất thải rắn và cơ chế quản lý sau đầu tư công trình theo kế hoạch được giao; có biện pháp cân đối ngân sách trong điều kiện chi phí xử lý rác tăng lên khi thực hiện việc xử lý rác theo công nghệ đốt dự kiến vận hành vào năm 2021…
Xác định đúng trọng tâm, nội dung và phương phápkiểm toán
Từ thực tiễn trên, KTNN khu vực I đúc rút một số kinh nghiệm kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường và việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải như sau:
Trước tiên, cần đánh giá, xác định đúng trọng yếu (trọng tâm) kiểm toán. Trong đó, trọng tâm kiểm toán chung đối với kinh phí sự nghiệp môi trường là phải đánh giá: tính hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường theo phạm vi dự toán được giao; công tác tổ chức thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị; công tác thu phí vệ sinh môi trường. Đối với các dự án xử lý rác thải, nước thải, đoàn kiểm toán cần đánh giá: mức độ hoàn thành quy hoạch về xây dựng các dự án xử lý rác thải, nước thải; tính hiệu quả, hiệu lực quá trình đầu tư tại các dự án được chọn mẫu kiểm toán... Ngoài ra, cần xác định đúng trọng tâm kiểm toán tại các đơn vị liên quan.
Hai là, các nội dung kiểm toán cần tập trung vào: đánh giá hoạt động quản lý, điều hành, sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường có đảm bảo tuân thủ quy định, chế độ, định mức, trong phạm vi dự toán được giao cũng như đạt được mục tiêu về môi trường trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hay không; công tác chỉ đạo, triển khai hoạt động quản lý, tổ chức thu phí vệ sinh; hoạt động đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước thải, rác thải trên địa bàn Thành phố.
Ba là, xác định các phương pháp thu thập bằng chứng phù hợp. Trong đó, phương pháp tổng hợp, phân tích, so sánh, đối chiếu, thống kê được áp dụng khi kiểm toán tại các cơ quan quản lý và các đơn vị chọn mẫu kiểm toán chi tiết nhằm đánh giá việc sử dụng ngân sách. Phương pháp chọn mẫu được áp dụng tại tất cả các đơn vị được kiểm toán. Nghiên cứu hệ thống văn bản pháp luật quy định về thu, chi ngân sách để so sánh, đối chiếu với việc triển khai thực hiện. Phỏng vấn lấy ý kiến dân cư sống gần các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải để đánh giá sự phù hợp của công tác quy hoạch và những tác động, ảnh hưởng đối với dân cư. Kiểm tra hiện trường giúp kiểm toán viên dễ hình dung được thực tế công trình, hỗ trợ cho công tác kiểm toán chi tiết trên hồ sơ.
TRẦN TRUNG HIẾU
KTNN khu vực I