Phát triển chăn nuôi cần gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới

Kinh tế - Ngày đăng : 09:05, 29/09/2020

(BKTO) - Theo đánh giá của các chuyên gia, sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược phát triển, ngành chăn nuôi đã đạt được thành tựu to lớn, tuy nhiên cũng có lúc phải “giải cứu” vì không liên kết chuỗi. Do đó, xây dựng Chiến lược chăn nuôi trong giai đoạn tới cần chú ý đến việc phát triển chăn nuôi gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới. Để làm được điều này, cần tính toán, không làm theo phong trào mà phải có chiến lược, kế hoạch.



Giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam bước đầu được khẳng định trên thị trường quốc tế. Ảnh minh họa

Phát triển mất cân đối

Bộ Nông nghiệp và Phát tiển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sau hơn 10 năm triển khai Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 theo Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, ngành này đã đạt được những thành tựu to lớn. Trong giai đoạn 2008-2020, sản lượng thịt các loại đã tăng hơn 1,6 lần, trứng tăng gần 3 lần, sữa tươi tăng 4,1 lần, thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần. Một số sản phẩm chăn nuôi đã được xuất khẩu với giá trị gần 1 tỷ USD, như: lợn sữa, thịt gia cầm, trứng muối, sữa và các sản phẩm từ sữa... bước đầu khẳng định giá trị thương hiệu của sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành chăn nuôi còn bộc lộ nhiều bất cập. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, ngành chăn nuôi có tốc độ phát triển nhanh nhưng mất cân đối, khi thịt lợn chiếm tỷ trọng lớn với khoảng 70% trong cơ cấu sản phẩm thịt, dẫn đến nhiều nguy cơ rủi ro khi ngành hàng này có biến động. Đồng thời, trong ba khâu (sản xuất, chế biến, tiêu thụ), mới chỉ có khâu sản xuất đạt, còn chế biến đang là khâu hạn chế. Với nhu cầu thị trường rộng nhưng phục vụ chủ yếu là lò mổ thủ công, các nhà máy chế biến hiện đại rất ít, kể cả chuỗi gà, thịt lợn vẫn còn yếu. Tổ chức tiêu thụ vẫn là chợ nông thôn, chợ truyền thống là chính, các điểm phân phối, thiết chế thương mại lớn… còn hạn chế. “Trên thực tiễn, ngành chăn nuôi có tăng trưởng nhưng cứ nhiều lên là đi giải cứu, không liên hoàn chuỗi. Hơn nữa, việc quản lý nhà nước từ công tác giống, an toàn thực phẩm vẫn phải cố gắng rất nhiều…” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu rõ.

Hướng tới chế biến theo chuỗi,đẩy mạnh xuất khẩu

Trước yêu cầu tình hình mới, Bộ NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040 (Chiến lược). Bộ này kỳ vọng Chiến lược sẽ khắc phục những bất cập lớn, tái cấu trúc chăn nuôi, lấy ba trục: kinh tế, môi trường, an sinh là hiệu quả bền vững của mục tiêu chăn nuôi. Mục tiêu chung là đến năm 2030, sản xuất chăn nuôi của Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tiên tiến trong khu vực. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và tăng cường xuất khẩu.

Đóng góp ý kiến cho Dự thảo Chiến lược, bà Thái Hương - Nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - đề xuất, để ngành chăn nuôi lớn mạnh, cần hướng tới phát triển các sản phẩm an toàn, sạch theo tiêu chuẩn Organic (thực phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ, phải tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt); đồng thời, Chiến lược phải bao quát được nhiều mục tiêu. Bà Hương nhấn mạnh: “Muốn phát triển thì trước hết phải xem nội lực của mình có gì và thị trường có cần nó không? Đặc biệt, Nhà nước cần "phân vai" quản lý rõ ràng đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của sản phẩm nông nghiệp”.

Với kinh nghiệm của một DN nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Mavin Đào Mạnh Lương cho rằng, cần phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành chăn nuôi, như: thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Đây là cách để hạ giá thành, nâng cao cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Nếu như giai đoạn trước, ngành chăn nuôi hướng tới sản xuất đủ nhu cầu thì trong giai đoạn 2020-2030, mục tiêu đặt ra là phải nâng tầm vị trí ở quốc tế, hướng tới chế biến theo chuỗi, đẩy mạnh xuất khẩu. "Chúng tôi đề nghị Chính phủ nhanh chóng ban hành Chiến lược để DN có định hướng, mục tiêu phấn đấu, giúp "đại bàng" hay "chim sẻ" đều có thể bay cao, bay xa theo tầm nhìn này" - ông Lương chia sẻ.

Từ góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho hay, đây là Chiến lược chung cho cả nước nhưng tuỳ theo đặc thù từng vùng, từng tỉnh phải có những đột phá riêng. Đối với Đồng Nai, tỉnh sẽ không cạnh tranh về số lượng vì chăn nuôi đã phát triển đạt tốc độ tối đa (tăng trưởng trung bình 3,5%/năm), mà sẽ tập trung vào chất lượng, sản phẩm an toàn, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Trong năm 2021, tỉnh sẽ xử lý 10% số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xen kẽ trong khu dân cư, thúc đẩy 22 chuỗi liên kết, xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị, ngành NN&PTNT cần phát triển chăn nuôi gắn với nhu cầu thị trường, tránh đầu tư theo phong trào, thiếu chiến lược và kế hoạch, bảo đảm năng suất, chất lượng. Muốn vậy, Bộ NN&PTNT cần xác định phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với bảo vệ môi trường, an toàn dịch bệnh; lấy các DN chăn nuôi làm “hạt nhân”, coi đây là động lực chính để thúc đẩy chăn nuôi hiệu quả, bền vững trong giai đoạn tới.
         
Mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2025 trung bình từ 4 - 5%/năm, giai đoạn 2026-2030 từ 3 - 4%/năm. Sản lượng thịt xẻ các loại đến năm 2030 đạt 6 - 6,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu từ 15 - 20% sản lượng; sản lượng trứng, sữa đến năm 2030 là khoảng 23 tỷ quả trứng và 2,6 triệu tấn sữa; tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến chiếm khoảng 40 - 50% vào năm 2030.
LÊ HÒA