Tìm giải pháp phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Kinh tế - Ngày đăng : 09:10, 29/09/2020

(BKTO) - Nhân lực cho khu vực dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi lâu nay vẫn được đánh giá là có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo. Trong thời đại cách mạng 4.0, khi cơ cấu thị trường, việc làm… đang thay đổi mạnh mẽ thì việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này càng trở nên cấp bách.



Việc phát triển nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi ngày càng trở nên cấp bách. Ảnh minh họa

Chất lượng nguồn nhân lựccòn hạn chế

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến việc phát triển nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS. Do đó, nguồn nhân lực khu vực DTTS đã có bước phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo vùng dân tộc và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay, lao động DTTS chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật rất thấp, chủ yếu là lao động giản đơn và chưa qua đào tạo; tác phong, kỷ luật lao động của nguồn nhân lực các DTTS còn nhiều bất cập; số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn…

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, miền núi cơ bản còn thấp so với các khu vực khác. Tỷ lệ nhân lực trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo trung bình mới chỉ đạt 6,2%, bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của cả nước. Đặc biệt, một số nhóm DTTS có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở mức dưới 2%, thậm chí có những nhóm DTTS gần 100% lao động chưa qua đào tạo; tỷ lệ người DTTS có trình độ đại học trở lên mới chỉ đạt 3,3% (tỷ lệ chung toàn quốc là 9,3%). Đây là rào cản rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng.

Theo khảo sát, ở vùng Tây Bắc, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ cán bộ là người DTTS trong UBND cấp tỉnh, huyện còn thấp (khoảng 11,32%). Trong tổng số 48.200 cán bộ DTTS cấp xã, số người có trình độ trung học cơ sở chiếm 45,7%, tiểu học 18,7%, chỉ có 1,9% có trình độ cao đẳng và đại học… Chất lượng nguồn nhân lực thấp đang chi phối và kéo theo hàng loạt vấn đề liên quan, làm chậm sự phát triển của vùng. Do đó, cần sớm tìm ra kế hoạch dài hạn và giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực của vùng DTTS và miền núi.

Cần có giải pháp đột pháđể đào tạo nguồn nhân lực

Để phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi, một trong những giải pháp căn cơ và bền vững là phải phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực này. Theo Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan, việc đào tạo nên xuất phát từ chính nhu cầu của người DTTS, miền núi; gắn với nhu cầu, định hướng phát triển thị trường. Tuy nhiên, hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực cũng chưa thực sự gắn kết với đặc điểm vùng, miền và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của từng khu vực, từng địa phương, từng vùng dân tộc… “Phải đào tạo những người có khả năng dẫn dắt, định hướng sự phát triển của cộng đồng, đào tạo để tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm mang tính đặc trưng văn hóa mỗi vùng, tạo nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào tổ chức sản xuất, chuẩn hóa các chương trình đào tạo cho nhiều nhóm đối tượng DTTS. Do đó, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách dân tộc và bố trí đủ nguồn lực tài chính để thực hiện các chính sách dân tộc” - bà Lan nhấn mạnh.

Nhằm giải bài toán về nguồn nhân lực cho vùng DTTS và miền núi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề xuất 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, thông qua chính sách “cử tuyển”, tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của chính sách này, tránh gây lãng phí nguồn lực và NSNN, đối tượng cử tuyển cần được lựa chọn, giám sát chặt chẽ và chỉ nên thực hiện với con em vùng đồng bào dân tộc rất ít người, đồng thời phải gắn liền với việc bố trí công việc sau khi tốt nghiệp cho người học. Thứ hai, thông qua “đặt hàng” đào tạo, đào tạo lại. Thứ ba, thông qua việc “tạo nguồn” đào tạo có chất lượng cho các trường đại học, cao đẳng. Để thực hiện giải pháp này, các địa phương cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường trung học phổ thông chuyên của tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng ghi nhận những nghiên cứu công phu, nghiêm túc về định hướng phát triển và chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Để tiếp tục phát huy các thành quả đã đạt được và thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đối với các địa phương, các cơ sở đào tạo để bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài ra, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực từ nước ngoài để phục vụ phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định công nhận, phân định các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển…

LÊ HÒA