Ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:05, 09/04/2015
(BKTO) - Từ ngày01/4/2015, một số quy định về phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN (Thôngtư 02) đã chính thức được áp dụng và đồng thời Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được giữ nguyên nhómnợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại hết hiệu lực. Theo nhận định của cácchuyên gia kinh tế, việc các ngân hàng thực hiện phân loại nợ một cách chặt chẽhơn có thể khiến cho nợ xấu tăng lên. Trước áp lực tăng tỷ lệ nợ xấu, nhiềungân hàng đã dành nguồn lực đáng kể để trích lập dự phòng rủi ro.
Vietcombank là một trong những ngân hàng chú ý tăng mức trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu Ảnh: T.S
Theo các chuyên gia kinh tế, Quyết định 780/QĐ-NHNN đã “cứu” nhiều khoản nợ của ngân hàng thoát khỏi tình trạng nợ xấu do được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Nhưng khi Quyết định này được thay thế bởi những quy định về phân loại nợ theo Thông tư 02 và Thông tư 09/2014/TT-NHNN (Thông tư 09), nhiều ngân hàng khó tránh khỏi áp lực nợ xấu có thể tăng lên, nhất là đối với những ngân hàng năng lực tài chính còn yếu kém, có nhiều khoản nợ xấu chiếm thị phần lớn trên bảng cân đối tài sản.
Lấy ví dụ một DN có 5 khoản nợ ở 5 ngân hàng khác nhau, trong đó 4 khoản đang trong hạn, chỉ có 1 khoản tới hạn nhưng DN này không thanh toán được phải chuyển sang nợ quá hạn hay chuyển sang nhóm nợ có rủi ro cao hơn thì bắt buộc 4 khoản còn lại cũng phải chuyển sang nhóm đó, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. HCM cho rằng, việc áp dụng phân loại nợ một cách chặt chẽ, rõ ràng sẽ làm nợ xấu của các ngân hàng tăng lên.
Cùng quan điểm trên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu một khách hàng có nhiều món nợ mà một trong những món nợ đó là nợ xấu thì tất cả các món nợ của cùng một khách hàng phải được đánh giá ở mức độ rủi ro cao nhất. Nếu các ngân hàng nghiêm chỉnh áp dụng quy định về việc cơ cấu lại nợ, gia hạn thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 thì tỷ lệ nợ xấu có thể sẽ gia tăng.
Nhận định nợ xấu có thể tăng lên do chuẩn Thông tư 02, Thông tư 09 được nâng cao hơn, song theo ông Đào Quốc Tính - Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (thuộc NHNN), việc áp dụng nghiêm túc những quy định này là cần thiết, giúp cho các ngân hàng thương mại (NHTM) hạch toán, xử lý nợ xấu một cách minh bạch và chất lượng nợ xấu được xác định rõ ràng, cụ thể hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02, các khoản nợ được cơ cấu lại phải được phân loại theo đúng bản chất. Khi đó, hệ thống ngân hàng sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn thông qua tỷ lệ nợ xấu cao hay thấp của từng ngân hàng. Mặc dù một số ngân hàng có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng nợ xấu tăng lên nhưng việc áp dụng những quy chuẩn chặt chẽ hơn về phân loại nợ sẽ hướng hoạt động của ngân hàng đến các tiêu chuẩn an toàn để nâng cao chất lượng hoạt động.
Chủ động trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu
Chỉ thị 02/CT-NNNN của NHNN ban hành đầu năm 2015 yêu cầu các TCTD đến hết tháng 6/2015 phải xử lý được tối thiểu 60% số nợ xấu phải xử lý theo kế hoạch năm, riêng chỉ tiêu bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) phải đạt không dưới 75% tổng số nợ xấu dự kiến bán cho VAMC trong cả năm để đưa nợ xấu về mức dưới 3% vào cuối năm nay.
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nợ xấu có thể tăng lên từ tháng 4/2015 do việc phân loại nợ được thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ hơn, để hoàn thành yêu cầu trên của NHNN, một trong số những giải pháp tốt là các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ trước khi chia lợi nhuận. Đây cũng là ý kiến chỉ đạo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình ngay từ đầu năm 2015. Theo đó, việc chia lợi nhuận năm 2014 của các ngân hàng sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của NHNN để đảm bảo chỉ các ngân hàng trích lập dự phòng đầy đủ mới được phép chia cổ tức.
Với quyết tâm đưa nợ xấu về mức dưới 3%, nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch xử lý nợ xấu bằng nguồn dự phòng rủi ro. Đó là lý do khiến số trích lập dự phòng của nhiều ngân hàng đã tăng lên gấp đôi, gấp ba so với trước. Chẳng hạn, chi phí dự phòng rủi ro của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trong năm 2014 đã tăng mạnh với mức tăng cả năm xấp xỉ 30%, lên 4.572 tỷ đồng.
Không chỉ Vietcombak, nhiều ngân hàng khác cũng đã cắt giảm mức chia cổ tức của các cổ đông để dành nguồn lực đáng kể cho việc trích lập dự phòng rủi ro. Điển hình, tại Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) vừa qua, Hội đồng quản trị của Ngân hàng này đã quyết định giảm mức chia cổ tức từ 11% như dự kiến xuống còn 9%. Tương tự, Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã quyết định chỉ chia cổ tức năm 2014 cho cổ đông ở mức 6% thay vì 10% như dự kiến. Việc dành một nguồn lực đáng kể để trích lập dự phòng rủi ro là tín hiệu tích cực cho thấy các ngân hàng đã chủ động ứng phó với vấn đề xử lý nợ xấu, bất kể nợ xấu có thể tăng lên trong thời gian tới.
THÀNH ĐỨC