Thẩm phán Amy Coney Barrett: Sự lựa chọn của Tổng thống Trump và những ảnh hưởng tới chính trường Mỹ
Đối ngoại - Ngày đăng : 17:45, 29/09/2020
(BKTO)- Đúng như dự đoán, nữ thẩm phán Amy Coney Barrett của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 7 đã chính thức được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử thay thế Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg mới qua đời. Là người theo trường phái bảo thủ, nếu được Thượng viện thông qua, bà không chỉ trở thành phụ nữ thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ phục vụ tại Tòa án Tối cao, mà còn có khả năng tạo thuận lợi cho ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức thông báo bổ nhiệm Thẩm phán tòa phúc thẩm Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tối cao Mỹ - Nguồn: sưu tầm. |
Thẩm phán Tòa án tối cao - Vị trí quan trọng trên chính trường Mỹ
Sau sự kiện nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời do căn bệnh ung thư vào ngày 18/9, cuộc chạy đua bầu cử Tổng thống Mỹ đã thêm phần gay cấn hơn khi cả 2 phe Dân chủ và Cộng hòa tranh cãi quanh việc lựa chọn người thay thế bà Ginsburg. Theo truyền thông Mỹ nhận định, sở dĩ việc lựa chọn người thay thế bà Ginsburg “nóng” lên bởi vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ rất quan trọng, có thể định hình các đường nét của xã hội Mỹ trong vài chục năm tới.
Thực tế trong vòng 4 năm qua, chính trường nước Mỹ đã bị phân cực và chia rẽ sâu sắc bởi hàng loạt cuộc đối đầu giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Và sự ra đi của bà Ruth Ginsburg, một biểu tượng của công lý và quyền bình đẳng, vào ngày 18/9 vừa qua tiếp tục là một yếu tố khiến chính trường Mỹ thêm chia rẽ. Sự ra đi của bà Ginsburg không chỉ để lại khoảng trống lớn tại Tòa án Tối cao Mỹ mà còn tạo ra một khoảng trống chia đôi chính trường nước Mỹ.
Việc bổ nhiệm người thay thế Thẩm phán Ruth Ginsburg không chỉ trở thành một trong những vấn đề nhạy cảm và được quan tâm nhiều nhất tại Mỹ vào thời điểm này, mà ở khía cạnh nào đó còn được nhìn nhận như một phép thử đối với nền dân chủ Mỹ về dài hạn. Người dân Mỹ dành tình cảm ngưỡng mộ và kính trọng cho các thẩm phán Tòa án Tối cao vì họ coi đó là “những người gác cổng, giải thích Hiến pháp, những người gánh trên vai trách nhiệm suốt đời bảo vệ công lý và tự do”.
Ở Mỹ, Tòa án Tối cao là định chế quyền lực cao nhất của nhánh tư pháp, có thẩm quyền tối hậu trong việc giải thích Hiến pháp và quyền tài phán chung thẩm đối với mọi vấn đề tố tụng liên bang. Dù cơ cấu chỉ có 9 thẩm phán, song Tòa án Tối cao là một nhánh quyền lực, đảm bảo cân bằng quyền lực và thực hiện chức năng giám sát đối với hai nhánh còn lại là hành pháp và lập pháp trong hệ thống “tam quyền phân lập” vốn là giá trị cối lõi của nền chính trị Mỹ.
Theo Hiến pháp nước này, các thẩm phán Tòa án Tối cao do tổng thống đề cử, Thượng viện phê chuẩn và làm việc với nhiệm kỳ trọn đời. Do vậy, việc bổ nhiệm các Thẩm phán Tòa án Tối cao từ trước tới nay luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và chính giới Mỹ.
Sau khi nữ Thẩm phán Ruth Ginsburg, một người ủng hộ tư tưởng cấp tiến, qua đời, hiện nay Tòa án Tối cao Mỹ chỉ còn lại 8 người, bao gồm 5 thẩm phán theo đường lối bảo thủ do các tổng thống Cộng hòa bổ nhiệm và 3 thẩm phán có tư tưởng cấp tiến do các tổng thống Dân chủ bổ nhiệm.
Do đó, việc bổ nhiệm thẩm phán mới thay bà Ginsburg có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh nước Mỹ chỉ còn 5 tuần nữa là tới ngày tổng tuyển cử. Về lý thuyết, nếu người thay thế bà Ginsburg là một nhân vật theo tư tưởng tự do sẽ góp phần đảm bảo tính độc lập và thế cân bằng tại Tòa án Tối cao. Còn trong trường hợp người thay thế bà Ginsburg là một chính khách bảo thủ, tính cân bằng tại cơ quan quyền lực này chắc chắn sẽ bị nghi ngờ.
Theo Hiến pháp nước này, các thẩm phán Tòa án Tối cao sẽ do Tổng thống đề cử, Thượng viện phê chuẩn và người này sẽ làm việc với nhiệm kỳ trọn đời, chỉ bị thay thế khi qua đời hoặc chủ động xin nghỉ hưu. Do vậy, việc bổ nhiệm các Thẩm phán Tòa án Tối cao từ trước tới nay luôn là đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận và chính giới Mỹ.
Amy Coney Barrett - Sự lựa chọn của Tổng thống Donald Trump
Sau khi nữ Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời, phe Cộng hòa đã gấp rút các hoạt động để đẩy nhanh tiến trình đề cử một phụ nữ thay thế cố Thẩm phán Ginsburg, bất chấp sự phản đối của phe Dân chủ.
Ngày 19/9, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đề cử một người phụ nữ thay thế bà Ginsburg tiếp quản vị trí Thẩm phán tòa án tối cao.
Ngày 21/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ tìm kiếm trong số từ 4-5 thẩm phán để lựa chọn làm ứng cử viên thay thế vị trí Thẩm phán Toà án Tối cao của bà Ruth Bader Ginsburg.
Ngày 26/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức thông báo bổ nhiệm Thẩm phán tòa phúc thẩm theo đường lối bảo thủ Amy Coney Barrett vào vị trí Thẩm phán Tối cao Mỹ, thay cho Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg. Để giải thích cho quyết định mới nhất của mình, Tổng thống Donald Trump đã không tiếc lời ca ngợi bà Barrett là “một trong những bộ óc pháp lý sáng láng và tài năng nhất của đất nước”, có “thành tích nổi bật, trí tuệ vượt trội, trình độ cao cũng như lòng trung thành bất khuất với Hiến pháp”, và “sẽ phục vụ vì sự công bằng của luật pháp”.
Đây là lần bổ nhiệm thẩm phán thứ 3 vào Tối cao pháp viện trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump. Trước đó, ông Trump đã bổ nhiệm hai thẩm phán Tòa án Tối cao là Neil Gorsuch (năm 2017) và Brett Kavanaugh (năm 2018).
Bà Amy Coney Barrett, sinh năm 1972 tại New Orleans, từng là giáo sư Luật tại Đại học danh tiếng Notre Dame ở bang Indiana. Bà Barrett cũng từng đảm nhiệm vị trí Thư ký của cố Thẩm phán Tòa án Tối cao nổi tiếng Antonin Scalia.
Năm 2017, bà Barrett được Tổng thống Trump bổ nhiệm một vị trí trong Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7, trụ sở ở Chicago và thụ lý các vụ án từ các bang Illinois, Indianna và Wisconsin. Bà cũng từng là một lựa chọn khi Tổng thống Trump cân nhắc cho vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ thay cho ông Anthony Kennedy nghỉ hưu vào năm 2018. Song ông Trump ở thời điểm đó đã lựa chọn ông Brett Kavanaugh.
Là một người theo Công giáo, cá nhân bà Barrett phản đối mạnh mẽ tình trạng nạo phá thai, một trong những vấn đề chủ chốt gây tranh cãi trong văn hóa Mỹ. Bởi vậy bà Barrett đang được kỳ vọng sẽ đảo ngược những quyết định mang tính bước ngoặt của Tòa án tối cao Mỹ năm 1973 vốn hợp pháp hóa việc nạo phá thai trên toàn quốc.
Bên cạnh quan điểm phản đối mạnh mẽ việc nạo phá thai, bà Barrett cũng là người ủng hộ quan điểm về các chính sách nhập cư cứng rắn của Tổng thống Trump và bày tỏ sự ủng hộ các quyền về sở hữu súng đạn. Bà cũng có quan điểm đi ngược lại đạo luật cải cách y tế giá rẻ, còn gọi là Obamacare, do cựu Tổng thống Barack Obama ban hành. Nếu bà Barrett trở thành Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ, phe bảo thủ sẽ có thêm hy vọng về khả năng “khai tử” chương trình bảo hiểm y tế bắt buộc Obamacare. Còn nhớ vào năm 2012, bà Barrett với tư cách là giáo sư tại Notre Dame, đã ký vào đơn phản đối điều khoản của chương trình bảo hiểm Obamacare.
Ảnh hưởng đến chính trường Mỹ thế nào?
Dự kiến, quá trình thông qua đề cử bà Barrett làm Thẩm phán tòa án tối cao Mỹ sẽ được thực hiện với phiên điều trần công khai kéo dài 4 ngày tại Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, bắt đầu từ ngày 12/10 tới. Lịch trình về phiên điều trần sẽ mở đường cho các đảng viên Cộng hòa tổ chức một cuộc bỏ phiếu về đề cử này trước cuộc bầu cử ngày 3/11, đồng thời xác lập kỷ lục về ngày gần nhất đối với một cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà Tòa án Tối cao thông qua một đề cử nhân sự.
Theo các nhà phân tích, với việc đảng Cộng hòa hiện đang nắm quyền kiểm soát tại Thượng viện thì gần như chắc chắn bà Barrett sẽ được chuẩn thuận, dù phe Dân chủ có thể tìm mọi cách làm cho quá trình thông qua này khó khăn nhất có thể. Nếu được thông qua, bà Barrett sẽ trở thành người phụ nữ thứ 5 từng phục vụ trong cơ quan tư pháp hàng đầu của Mỹ và khiến cán cân tại Tối cao pháp viện nghiêng về phe bảo thủ với tỉ lệ 6-3. Điều này có thể đảm bảo ngay cả khi ông Trump thất bại trong cuộc bầu cử năm nay thì đảng Cộng hòa vẫn có lợi thế ở Tòa án Tối cao. Giống như hai người trước được Tổng thống Trump bổ nhiệm là Neil Gorsuch (năm 2017) và Brett Kavanaugh (năm 2018), bà Barrett đủ trẻ để có thể phục vụ trong nhiều thập niên tới. Nếu được bầu chọn, bà Barrett sẽ là Thẩm phán tòa án tối cao trẻ nhất kể từ khi thẩm phán Clarence Thomas bảo thủ được bổ nhiệm khi ông mới 43 tuổi vào năm 1991.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc đảng Cộng hòa tiến hành những bước đi gấp rút đề cử bà Barrett vào vị trí Thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ đã nhanh chóng gây ra những tranh cãi trong dư luận Mỹ và vấp phải sự phản đối từ đảng Dân chủ.
Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Charles Schumer chỉ trích đề cử của ông Trump cho thấy phe Cộng hòa đã phá bỏ những gì Thẩm phán Ginsburg đã xây dựng và đây là hành động tiến công tính hợp pháp của tòa án Mỹ. Đối thủ của Tổng thống Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden thì kêu gọi Thượng viện Mỹ không thông qua đề cử trên cho tới sau cuộc bầu cử ngày 3/11 tới. Phe Dân chủ lo ngại rằng nếu người thay thế nữ Thẩm phán Ginsburg là một người thuộc phe bảo thủ thì điều này sẽ giúp Tổng thống Trump mở rộng thế đa số tại Tòa án tối cao và mọi phán quyết liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới sẽ có thể có lợi cho cá nhân ông Trump và phe Cộng hòa.
Theo các nhà phân tích, dự kiến các thành viên đảng Dân chủ sẽ “tấn công” bà Barrett trong phiên điều trần sắp tới về các quan điểm của nữ thẩm phán này đối với vấn đề chăm sóc sức khỏe. Cùng với tuổi đời còn khá trẻ, mới 48 tuổi, đây là những yếu tố mà các nghị sỹ Dân chủ đang nhắm tới để chỉ trích bà Barrett, cho rằng bà không đủ kinh nghiệm và tố chất để được bổ nhiệm vào một vị trí “trọn đời” như Thẩm phán Tòa án Tối cao.
Ngoài ra các ý kiến chỉ trích còn cho rằng, nếu được lựa chọn, bà Barrett có thể bộc lộ tố chất của một người cực đoan, sẵn sàng chấm dứt việc phá thai hợp pháp tại Mỹ hiện nay. Điều này bị cho là khập khiễng khi bà Barrett sẽ thay thế cố thẩm phán Ginsburg - người nổi tiếng là hình tượng đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Bà Barrett cũng bị giới chỉ trích liên hệ với “People of Praise” - một nhóm tín ngưỡng khá nổi tiếng nhưng bị mô tả là áp đặt và sai lầm. Thế nhưng ngược lại, các quan điểm ủng hộ lại cho rằng, bà Barrett sẽ phân định rõ đức tin và việc thực thi Hiến pháp và Luật pháp. Như Jay Wexler - một giáo sư luật của Đại học Boston, người đã từng làm việc cho cố Thẩm phán Ginsburg bình luận, “bà Barrett rất thông minh, tôi tin rằng, bà ấy sẽ cố gắng hết sức có thể để đưa ra quan điểm chính xác trong từng trường hợp mang tính quyết định”.
Theo Reuters, để phản đối phe Cộng hòa, các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện dự kiến sẽ trình một dự luật giới hạn nhiệm kỳ Thẩm phán tòa tối cao xuống còn 18 năm. Dự luật cũng quy định mỗi Tổng thống trong nhiệm kỳ 4 năm chỉ được phép bổ nhiệm tối đa 2 thẩm phán tòa tối cao. Tuy nhiên, sửa đổi trên thực tế cũng rất phức tạp và tốn thời gian, bởi đòi hỏi phải sửa đổi cả Hiến pháp. Tòa án Tối cao Mỹ gồm 8 thẩm phán và 1 chánh án. Hàng năm, 9 thành viên này sẽ cùng bỏ phiếu để ra quyết định về các vấn đề pháp lý quan trọng trong nước. Phán quyết của tòa trở thành án lệ có tính cột mốc và ràng buộc với quyết định của tòa cấp dưới.
Chính bởi sự phức tạp đó nên việc bố trí nhân sự kế nhiệm bà Ginsburg đã trở thành nhân tố mới tác động trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, bởi Tòa án Tối cáo chính là cơ quan có tiếng nói cuối cùng đối với kết quả bầu cử chung cuộc.
Theo TTXVN