Giá trị “vàng” từ một phong trào thi đua

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 13:45, 01/10/2020

(BKTO) - Vượt ra ngoài khuôn khổ của một phong trào thi đua, việc đăng ký và phấn đấu thực hiện đạt Cuộc kiểm toán chất lượng vàng (KTCLV) đã và đang trở thành mục tiêu để các đơn vị kiểm toán trong toàn Ngành hướng tới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm toán.



Phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu Cuộc KTCLV đã tạo sự lan tỏa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của KTV. Ảnh tư liệu

Khi phong trào thi đua trở thành động lực đổi mới

Được khởi xướng từ năm 2011, đến giai đoạn 2015-2020, phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu Cuộc KTCLV tiếp tục được triển khai một cách thường xuyên, liên tục và bài bản. Ngày 04/6/2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định số 1793/QĐ-KTNN quy định về tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán. Quy định này nhằm đánh giá, xếp loại thành viên, đánh giá tổ kiểm toán và đoàn kiểm toán làm cơ sở để đánh giá, xếp loại công chức và bình xét thi đua hằng năm; đánh giá, xếp loại cuộc kiểm toán, lựa chọn Cuộc KTCLV để khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động kiểm toán, góp phần tăng cường quản lý hoạt động kiểm toán, nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán và hạn chế những yếu kém trong công tác này. Theo đó, mỗi cuộc kiểm toán nếu đạt được đầy đủ các tiêu chí và thang điểm theo quy định sẽ được xét tặng danh hiệu Cuộc KTCLV kèm theo cúp, tiền thưởng và Bằng khen của Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Nhằm tăng cường hơn nữa chất lượng, hiệu quả của phong trào thi đua cuộc KTCLV, ngày 04/9/2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1144/QĐ-KTNN quy định về tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và đoàn KTNN thay thế Quyết định số 1793/QĐ-KTNN, trong đó đã sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chí, lựa chọn Cuộc KTCLV. Thực tế cho thấy, cuộc KTCLV là hình thức thi đua có ý nghĩa thiết thực và có sức lan tỏa rộng, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ các đơn vị kiểm toán. Mặc dù theo quy định, mỗi đơn vị chỉ có một cuộc kiểm toán được xét chọn đạt chất lượng vàng trong năm song có nhiều KTNN chuyên ngành và KTNN khu vực ngay từ đầu năm đã đăng ký phấn đấu tới 2 cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng.

         
Báo cáo kiểm toán cuộc KTCLV phải đạt yêu cầu xuất sắc trong đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước của đơn vị được kiểm toán; từ đó đưa ra những kiến nghị phù hợp để đơn vị phát triển đi lên. Một cuộc KTCLV không chỉ dừng lại ở việc kiến nghị xử lý tài chính mà quan trọng hơn là phải khiến đơn vị được kiểm toán “tâm phục, khẩu phục”, bảo đảm việc thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt tỷ lệ cao (Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Đào Văn Dũng).
Theo chia sẻ của lãnh đạo các đơn vị kiểm toán, khi đăng ký phấn đấu thực hiện cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng đòi hỏi đơn vị phải có sự chú trọng, đầu tư công phu hơn trong tất cả các khâu, các giai đoạn của cuộc kiểm toán. Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn chia sẻ, điểm khác biệt và quan trọng nhất khi thực hiện một cuộc KTCLV là việc lựa chọn chủ đề kiểm toán. Theo đó, chủ đề kiểm toán phải thiết thực, có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, đến công tác quản lý tài chính, tài sản công. Từ việc lựa chọn chủ đề kiểm toán sẽ đặt ra yêu cầu về lựa chọn nhân sự, đánh giá năng lực kiểm toán viên (KTV) cũng như vấn đề khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán… sát hợp với chủ đề kiểm toán.

Từ thực tiễn triển khai tại đơn vị, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia Đào Văn Dũng cho biết, ngay từ khi lựa chọn chủ đề, cuộc kiểm toán phấn đấu đạt chất lượng vàng phải hướng đến những cuộc kiểm toán có quy mô lớn và có tính đặc thù riêng của đối tượng được kiểm toán. Việc sắp xếp, tổ chức nhân sự đoàn kiểm toán cũng phải rất chú trọng, trong đó, trưởng đoàn kiểm toán phải là người có chuyên môn sâu về lĩnh vực kiểm toán. Trong tổ chức triển khai cuộc kiểm toán, việc đầu tiên là lập một bộ hồ sơ gửi kèm công văn yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp các thông tin cần thiết, phục vụ cho việc khảo sát, thu thập thông tin về chủ đề kiểm toán. “Công tác khảo sát, thu thập thông tin rất quan trọng, quyết định chất lượng lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, đặc biệt là trong việc đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán, xác định đúng trọng tâm kiểm toán, từ đó triển khai ra các nội dung và mục tiêu kiểm toán. Trong đó, nội dung của cuộc kiểm toán phải được đưa ra một cách thận trọng, phù hợp với thông tin thu thập được để đảm bảo chất lượng, hiệu quả cuộc kiểm toán” - Kiểm toán trưởng Đào Văn Dũng chia sẻ.

Một kinh nghiệm khác cũng được Kiểm toán trưởng Đào Văn Dũng chỉ ra là kế hoạch kiểm toán chi tiết phải bao quát đầy đủ mục tiêu, nội dung và trọng yếu của cuộc kiểm toán; trên cơ sở đó phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực và sở trường của từng KTV nhằm đạt mục tiêu, hiệu quả kiểm toán. Đồng thời, trưởng đoàn kiểm toán phải bám sát quá trình thực hiện kiểm toán, phối hợp chặt chẽ với đơn vị được kiểm toán, thường xuyên trao đổi, báo cáo để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Lan tỏa giá trị vì mục tiêunâng cao chất lượngkiểm toán

Từ việc chủ động đăng ký và đầu tư thực hiện các cuộc KTCLV, có thể thấy các đơn vị tham gia phong trào đã thực sự phấn đấu vì mục tiêu nâng cao chất lượng công tác kiểm toán và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chứ không chỉ hướng đến thành tích và tiền thưởng. Đây là một trong những giá trị quan trọng và ý nghĩa mà phong trào thi đua mang lại.

Trong giai đoạn 2015-2020, toàn Ngành có 57 cuộc kiểm toán xuất sắc đạt Cuộc KTCLV. Kết quả các cuộc KTCLV thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn của từng đơn vị cũng như kết quả hoạt động kiểm toán của Ngành. Chủ đề các cuộc kiểm toán đã chạm đến những vấn đề gai góc, nóng bỏng trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước như: Việc triển khai thực hiện các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); việc quản lý đất đai đô thị, cổ phần hóa DNNN; việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập… Bên cạnh số kiến nghị xử lý tài chính lớn, nhiều cuộc kiểm toán đã có những kiến nghị, phát hiện nổi bật nhằm khắc phục những bất cập trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công cũng như góp phần sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách; đặc biệt, nhiều phát hiện qua kiểm toán đã được KTNN chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật.

         
Từ việc thực hiện phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu Cuộc KTCLV đã tạo sự lan tỏa, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của KTV trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp; sáng tạo, đổi mới từ nếp nghĩ, cách làm, để áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nói chung chứ không riêng đối với các cuộc kiểm toán đăng ký chất lượng vàng (Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn).
Ở khía cạnh khác, theo đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành VI, phong trào thi đua cuộc KTCLV sẽ tác động rất lớn đến KTV. Với nhiều KTV, được bố trí tham gia đoàn kiểm toán đăng ký đạt chất lượng vàng chính là sự ghi nhận của lãnh đạo đơn vị, từ đó các KTV gia tăng trách nhiệm để cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt công việc được giao.

Kiểm toán trưởng Đào Văn Dũng cũng cho rằng, việc phấn đấu thi đua thực hiện cuộc KTCLV đã khích lệ, thử thách KTV, đồng thời là cơ hội để KTV thể hiện bản lĩnh, chuyên môn nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp. Hơn nữa, khi một cuộc kiểm toán được bình chọn đạt chất lượng vàng, không chỉ là vinh dự cho KTV, là danh dự của đơn vị kiểm toán mà còn góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của KTNN trước đơn vị được kiểm toán. Bên cạnh đó, việc tham gia cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng là một trong những tiêu chí được xem xét, đánh giá cán bộ khi bổ nhiệm sẽ góp phần tạo nguồn cán bộ chất lượng cho Ngành.

Từ góc độ đơn vị tham mưu xây dựng Quy định về tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại chất lượng thành viên đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán, Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm cho biết: Tổng Kiểm toán Nhà nước từng nhấn mạnh, đỉnh cao của kiểm soát chất lượng kiểm toán là xây dựng tính tự giác. Để xây dựng tính tự giác thì phải có tiêu chí và mục tiêu phấn đấu rõ ràng. Vì vậy, các tiêu chí đánh giá không chỉ là tuân thủ thủ tục, trình tự, quy định… mà còn đánh giá dựa trên kết quả đầu ra, lượng hóa kết quả đạt được trong từng cuộc kiểm toán để đảm bảo tính thiết thực của kiến nghị kiểm toán; đồng thời gắn các tiêu chí này với việc đánh giá KTV, luân chuyển, bổ nhiệm và công tác thi đua, khen thưởng. “Thực tế triển khai thi đua cuộc KTCLV thời gian qua cho thấy nhiều kết quả tích cực, tạo khí thế thi đua, khích lệ KTV và các đơn vị trong toàn Ngành nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ; kết quả kiểm toán tăng lên hằng năm; kỷ luật, kỷ cương được chấn chỉnh và tăng cường” - Vụ trưởng Ngô Minh Kiểm đánh giá.

Trên cơ sở những tiêu chí đánh giá cụ thể, để nâng cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua phấn đấu đạt danh hiệu Cuộc KTCLV trong thời gian tới, đại diện một số đơn vị kiểm toán đề xuất, KTNN cần quan tâm, chú trọng hơn trong khâu xét chọn để đảm bảo lựa chọn được những cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng một cách toàn diện. Đặc biệt, trong bối cảnh xã hội đòi hỏi sự công khai, minh bạch ngày càng cao, KTNN cần tăng cường việc công khai kết quả kiểm toán của những cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng để nâng tầm và lan tỏa hơn nữa những giá trị tích cực từ phong trào thi đua này. Đó cũng là cách để xã hội và nhân dân hiểu thêm về ngành KTNN, về vai trò, nỗ lực đóng góp của KTNN vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.
         
Theo Quyết định số 1144/QĐ-KTNN, cuộc KTCLV phải được xếp loại Xuất sắc và có kết quả kiểm toán nổi bật theo từng lĩnh vực, cụ thể:
   
   - Các đoàn kiểm toán tài chính: Phải có kiến nghị xử lý tài chính trên 80 tỷ đồng đối với kiểm toán ngân sách địa phương, trên 40 tỷ đồng đối với kiểm toán ngân sách Bộ, ngành, kiểm toán dự án đầu tư độc lập, kiểm toán DN và các tổ chức tài chính ngân hàng; hoặc có phát hiện đặc biệt quan trọng (được Tổng Kiểm toán Nhà nước tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ); hoặc có phát hiện sai sót nghiêm trọng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định hoặc đủ điều kiện được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp thuận chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
   
   - Các lĩnh vực khác: Phải là cuộc kiểm toán có phát hiện đặc biệt quan trọng (được Tổng Kiểm toán Nhà nước tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ); hoặc có phát hiện sai sót nghiêm trọng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định hoặc đủ điều kiện được Tổng Kiểm toán Nhà nước chấp thuận chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra.
N.HỒNG - N.LỘC - L.HÒA