Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:05, 01/10/2020
(BKTO) - Thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị, KTNN đang tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy KTNN về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
KTNN đang tăng cường biện pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Ảnh tư liệu
Chủ động hơn nữa trong công tác phòng, chống tham nhũng
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, những năm qua, hoạt động kiểm toán của KTNN đã tập trung vào những vấn đề nhạy cảm, tiềm ẩn nguy cơ lãng phí, tham nhũng. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kịp thời phát hiện những sai sót trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán, từ đó kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc quản lý và sử dụng NSNN, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý những trường hợp có dấu hiệu tham nhũng. Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2013 - 30/6/2020, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính sau kiểm tra là 396.270 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 86.448 tỷ đồng, giảm chi NSNN 84.612 tỷ đồng, kiến nghị xử lý tài chính khác 225.210 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 952 văn bản quy phạm pháp luật để khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Cùng với việc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật, từ năm 2013 đến nay, KTNN đã chuyển hồ sơ của 22 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra…
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò của KTNN trong công tác PCTN theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian tới, KTNN sẽ chủ động hơn nữa trong công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán, tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, đặc biệt là vai trò của Bộ, ngành, địa phương trong quá trình xem xét, xử lý trách nhiệm đối với sai phạm pháp luật phát hiện qua kiểm toán; xử lý nghiêm mọi đối tượng có hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt và gây thiệt hại do tham nhũng.
Cùng với đó, KTNN sẽ tập trung vào công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN theo quy định của pháp luật. Theo đó, KTNN sẽ đẩy mạnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai, kịp thời tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan khác có liên quan. Đồng thời chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; theo dõi và có giải pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, đôn đốc thực hiện dứt điểm các kiến nghị qua kiểm tra nhiều năm chưa thực hiện.
Đặc biệt, KTNN sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan có chức năng đấu tranh PCTN, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do KTNN phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán. Đồng thời, tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công. KTNN cũng sẽ tiếp tục chủ động chuyển, cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ kết quả, bằng chứng kiểm toán cho cơ quan điều tra, thanh tra, Viện Kiểm sát xem xét, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng
Để KTNN phát huy được hết thế mạnh trong công tác PCTN thông qua hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc kiến nghị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về tổ chức và hoạt động của KTNN theo Hiến pháp, đảm bảo ngày càng nâng cao tính độc lập, hiệu lực và hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về KTNN trong các luật, văn bản có liên quan để đảm bảo tính đồng bộ giữa Luật KTNN với các văn bản quy phạm pháp luật khác; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chế tài xử lý đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ theo quy định của Luật KTNN. Cùng với đó, cần hoàn thiện các quy định pháp luật tránh chồng chéo, sơ hở làm thất thoát tài chính công, tài sản công. Đặc biệt, cần quan tâm sắp xếp, hoàn thiện hệ thống các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và KTNN nhằm nâng cao năng lực hoạt động của từng cơ quan, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác của các cơ quan. Đồng thời, chỉ đạo tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các cơ quan này trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, phục vụ đắc lực cho việc kiểm tra, giám sát của Đảng, Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công.
Để công tác PCTN thời gian tới có những đột phá, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn nữa, KTNN đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, tổ chức xã hội, hiệp hội DN, hiệp hội ngành nghề, các cơ quan báo chí và nhân dân tiếp tục phối hợp, đồng hành với Đảng và Nhà nước tăng cường giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; nâng cao vai trò và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác PCTN.
KTNN cũng đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan tố tụng tiếp tục chú trọng việc thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động tố tụng; kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; có biện pháp khuyến khích người phạm tội tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; thống kê, theo dõi chặt chẽ kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng.
Ngoài ra, theo KTNN, cần quy định các biện pháp, chế tài cụ thể, đảm bảo tính khả thi đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kê khai, giải trình, xác minh thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Đối với các khoản thu nhập không cần kê khai hoặc kê khai không đầy đủ bị phát hiện, khi có yêu cầu giải trình nguồn gốc mà không giải trình được thì được xem là khoản thu nhập bất hợp pháp; mở rộng diện đối tượng kiểm soát tài sản, thu nhập của người được xác định có dấu hiệu tham nhũng cả trong khu vực công và khu vực tư.
QUỲNH ANH