Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu phát triển bền vững
Kinh tế - Ngày đăng : 08:05, 05/10/2020
(BKTO) - Theo Liên Hợp Quốc, nếu chúng ta tiếp tục phát triển theo nền kinh tế tuyến tính dựa vào vốn tài nguyên - sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ thì dù có đạt được thành quả tăng trưởng cao, chúng ta cũng sẽ phải đối mặt với thảm họa về tài nguyên và môi trường. Do đó, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững phải là lựa chọn tất yếu của các DN trong xu thế toàn cầu hóa.
Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đang chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. Ảnh tư liệu
Tài nguyên môi trường chịu nhiều tác động tiêu cực
Theo số liệu thống kê của Mạng lưới Dấu chân sinh thái toàn cầu (Global Footprint Network), thời gian con người khai thác cạn mức tài nguyên nên dùng trong năm đang ngày một ngắn lại. Trong 20 năm qua, thời hạn này đã bị rút ngắn thêm 2 tháng. Tính đến ngày 22/8/2020, con người đã tiêu thụ hết năng lượng tự nhiên có thể tái tạo trong năm 2020 của trái đất, chậm hơn 24 ngày so với ngày trái đất vượt ngưỡng phục hồi của năm ngoái là ngày 29/7/2019. Tuy nhiên, điều này vẫn đồng nghĩa với việc con người đã “rút cạn” tài nguyên thiên nhiên với tốc độ nhanh gấp 1,6 lần khả năng tái tạo của trái đất.
Bên cạnh đó, một kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy, các DN tại Việt Nam đang ngày càng cảm thấy bất an do những biến đổi bất thường của thời tiết và khí hậu. Tình trạng nắng nóng, hạn hán kéo dài hơn, mưa bão ngập lụt diễn ra thường xuyên hơn, nước sông nhiễm mặn nhiều hơn, triều cường, lũ quét mạnh hơn... Còn theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia đang chịu tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu và là 1 trong 5 quốc gia đang xả thải nhiều nhất chất thải nhựa ra môi trường. Chỉ riêng ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam có thể mất đi hơn 5,07% GDP; ô nhiễm nước có thể gây ra thiệt hại cho Việt Nam 3,5% GDP. Tình trạng suy giảm tài nguyên, tiêu thụ nhiều năng lượng, ô nhiễm, suy thoái đất, đặc biệt là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của nền kinh tế Việt Nam.
Trong khuôn khổ Diễn đàn DN bền vững Việt Nam năm 2020 với chủ đề “Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội”, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Vì một thập niên tăng trưởng xanh và bền vững”, các chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế đã nhấn mạnh giải pháp, cần thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn để bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững đã từng chia sẻ, kinh tế tuần hoàn chính là chìa khóa để giải bài toán, mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Đây là mô hình ưu việt, vừa giúp tạo ra lợi nhuận, vừa tạo ra công ăn việc làm, mang lại những giá trị về mặt xã hội và môi trường, từ đó hướng tới một nền kinh tế xanh.
Phát triển bền vững làtương lai của nền kinh tế
Thực tế cho thấy, nhiều DN trên thế giới đã phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn và một số DN Việt Nam cũng đã bắt đầu nắm bắt được để thực hiện. Một số chương trình, dự án tại Việt Nam đã đạt được kết quả tốt, tạo hiệu ứng cao trong cộng đồng DN, như: Chương trình phát triển kinh tế tuần hoàn của VCCI, Chương trình thu gom và tài chế rác thải của nhóm DN PRO và nhóm DN lớn; Sáng kiến không xả thải vào môi trường, các khu công nghiệp sinh thái ở Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ... Đây là những “hạt giống” đầu tiên cho một “mùa vàng” phát triển kinh tế tuần hoàn ở nước ta - ông Vũ Tiến Lộc nhận định.
Theo các chuyên gia, sau thảm họa của đại dịch Covid-19, các DN trên toàn thế giới, trong đó có các DN Việt Nam, đã và đang định hình lại con đường phát triển của DN, trong đó chiến lược phát triển bền vững, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn là một lựa chọn, ưu tiên của nhiều DN. Bởi họ nhìn nhận được phát triển kinh tế tuần hoàn là giải pháp hữu hiệu để tạo ra các cơ hội kinh doanh, nguồn lợi nhuận mới, đồng thời giúp cắt giảm nhu cầu khai thác mới đối với tài nguyên thiên nhiên. Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn giúp DN giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên, tạo ra cơ hội việc làm và đầu tư mới, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng.
Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, DN là động lực trung tâm, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt và cộng đồng tham gia thực hiện. Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn, cần phải hoàn chỉnh hệ thống chính sách quản lý, bảo vệ môi trường; điều chỉnh chính sách tài chính, thương mại, coi các chất thải thông thường là các loại nguyên vật liệu thứ cấp cho các ngành công nghiệp khác. Đồng thời, cần phát triển các ứng dụng, nghiên cứu về vật liệu mới có thể tồn tại lâu hơn và chuyển đổi vai trò linh hoạt hơn khi được tái chế, tái sử dụng cho các sản phẩm khác nhau.
Điểm tựa quan trọng hiện nay là Chính phủ Việt Nam đã có nhiều quyết sách để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, đáng chú ý như Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Chương trình có mục tiêu thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, khuyến khích phát triển các nguồn nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình sản xuất, tiêu dùng bền vững…
PHÚC KHANG