Dự trữ ngoại hối: Đằng sau con số kỷ lục

Kinh tế - Ngày đăng : 08:45, 05/10/2020

(BKTO) - Dự trữ ngoại hối (DTNH) của Việt Nam liên tục tăng những năm gần đây và hiện tại, mức dự trữ đã lên tới 92 tỷ USD. Điều này mang lại nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế, đồng thời khẳng định năng lực điều tiết thị trường của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, đằng sau con số kỷ lục ấy, bài toán về quản lý ngoại hối với nhiều câu hỏi tiếp tục được đặt ra cho cơ quan điều hành.



Điều hành tỷ giá vẫn luôn là bài toán hóc búa đối với bất cứ ngân hàng T.Ư nào. Ảnh: P.Tuân
Thêm dư địa để điều tiết thị trườngvà ổn định vĩ mô

Theo số liệu của NHNN, đến hết tháng 3/2020, DTNH đạt 84 tỷ USD, tăng hơn 5 tỷ USD so với cuối năm 2019. Con số 92 tỷ USD được công bố mới đây đã cho thấy DTNH tiếp tục tăng trưởng khá nhanh. Như vậy, từ đầu năm đến nay, DTNH đã tăng thêm khoảng 13 tỷ USD. Nếu so với năm 2015, mức dự trữ này đã tăng lên gần gấp 3 lần. Dự báo, đến cuối năm nay, DTNH sẽ cán mốc 100 tỷ USD. Do đó, những tháng cuối năm, NHNN có thể sẽ mua thêm khoảng 8 tỷ USD.

Ngân hàng Thế giới đánh giá: Con số 92 tỷ USD chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế đất nước. Việt Nam đã đạt mức thặng dư thương mại hàng hóa cao kỷ lục và thu hút được dòng vốn FDI lớn cho dù có đại dịch. Hoạt động này đã giúp giảm thiểu tác động của việc giảm lượng kiều hối và thu nhập bằng ngoại tệ từ du khách nước ngoài. Cán cân thanh toán của Việt Nam thể hiện tính chống chịu cao khi tỷ giá VND/USD được duy trì ở mức ổn định.

Giới phân tích cũng chỉ rõ các yếu tố làm nên kết quả trên, đó là nền tảng kinh tế vĩ mô luôn ổn định, lạm phát kiểm soát tốt trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, nguồn cung ngoại tệ mấy năm gần đây được cải thiện tích cực nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài và cán cân thương mại liên tục thặng dư.

Thực tiễn cho thấy, điều hành tỷ giá vẫn luôn là bài toán hóc búa đối với bất cứ ngân hàng T.Ư nào trên thế giới, đặc biệt là ngân hàng ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, việc tăng DTNH cho thấy sự đúng hướng trong chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tỷ giá và ngoại tệ nói riêng cũng như năng lực điều tiết thị trường của NHNN. Đó là cơ sở góp phần nâng cao tín nhiệm, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Sự đúng hướng của chính sách tỷ giá và ngoại tệ được thể hiện qua nguyên tắc giảm tình trạng “đôla hóa” trong nền kinh tế để củng cố lòng tin vào đồng VND, nâng cao giá trị đồng tiền…”, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - phân tích. Còn theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, những năm qua, công tác điều hành tỷ giá luôn đảm bảo phù hợp với diễn biến của thị trường cũng như mục tiêu điều hành vĩ mô và quan trọng nhất là nhờ đó, DTNH đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Các chuyên gia nhận định, DTNH ở mức cao là điều kiện thuận lợi giúp cho NHNN có thêm dư địa để điều hành linh hoạt và ổn định tỷ giá, nâng cao giá trị tiền đồng. Hơn nữa, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, đây còn là bộ đệm quan trọng giúp nền kinh tế chống đỡ lại các cú sốc từ bên ngoài, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, xóa đi lo ngại về rủi ro tỷ giá và củng cố lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.

Những câu hỏi trong bài toánđiều hành

Tuy vậy, đằng sau con số giàu ý nghĩa trên, bài toán điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối với nhiều câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra cho NHNN.

Trước hết, với lượng DTNH trên mức tối thiểu là 3 tháng nhập khẩu như hiện tại và khả năng đạt mốc 100 tỷ USD vào cuối năm nay, NHNN có nên hạn chế mua thêm USD trong thời gian tới? Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2020 mới đây, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã khẳng định chủ trương tiếp tục củng cố DTNH khi điều kiện thuận lợi để có đủ ngoại tệ can thiệp nếu cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh thị trường quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, biến động như hiện nay. Đây là một trong những định hướng điều hành chính sách tiền tệ trọng tâm của NHNN từ nay đến cuối năm. Mặt khác, theo lý giải của NHNN, mức 3 tháng nhập khẩu là yêu cầu đối với các nước chưa mở cửa nền kinh tế nhiều. Với các nước có độ mở kinh tế cao như Việt Nam, Quỹ Tiền tệ quốc tế khuyến nghị DTNH nên ở mức 4 - 4,5 tháng nhập khẩu. Như vậy, mức DTNH hiện tại là phù hợp với thông lệ quốc tế và Việt Nam vẫn còn dư địa để tăng thêm nguồn lực này.

Đồng tình với chủ trương trên của NHNN, TS. Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) - khuyến nghị: Việt Nam cần tăng DTNH lên khoảng 6 tháng nhập khẩu. Với tình hình hiện nay, trong vòng 12 - 18 tháng tới, mức DTNH nên là mốc 150 tỷ USD. Theo thời gian, nền kinh tế phục hồi sau Covid-19, quy mô xuất nhập khẩu sẽ tăng, khi đó, mục tiêu DTNH có thể còn cao hơn nữa. Chung quan điểm, TS. Võ Trí Thành cũng cho rằng, với nền kinh tế mở như Việt Nam, nhất là trước sự bất định của kinh tế toàn cầu, DTNH ở mức 5 - 6 tháng nhập khẩu là cần thiết để tạo thêm nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, bài toán tăng DTNH cần dựa trên những biến số nào? Theo TS. Võ Trí Thành, nợ quốc gia, nợ nước ngoài, cán cân thanh toán quốc tế là những biến số mà NHNN cần phải cân nhắc, xem xét. TS. Nguyễn Đức Thành cũng lưu ý, nên trung hòa vừa đủ số ngoại hối mua được để tránh gây lạm phát và phục vụ cho mục đích chống suy giảm kinh tế do ảnh hưởng của Covid-19.

Vấn đề đáng lưu ý nữa là Việt Nam phải làm gì để không bị đưa vào danh sách thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ? Để tránh rủi ro này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam cần tạo ra thương mại cân bằng hơn đối với Hoa Kỳ, giảm dần mức độ xuất siêu sang thị trường này. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đức Thành gợi mở thêm: Việt Nam nên sử dụng tối đa các biện pháp ngoại giao nếu rủi ro này tăng lên.

THÀNH ĐỨC