Thực hiện toàn diện, hiệu quả các chính sách thúc đẩy giảm nghèo bền vững

Kinh tế - Ngày đăng : 09:15, 05/10/2020

(BKTO) - Dự báo tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đến công tác giảm nghèo, đặc biệt là việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo 1 - 1,5%/năm, Chính phủ xác định sẽ tập trung thực hiện toàn diện, hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo; đồng thời rà soát, đánh giá và hoàn thiện hệ thống chính sách giảm nghèo thời gian tới để phù hợp với tình hình thực tiễn.



Việc triển khai các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo đã đạt những kết quả tích cực. Ảnh: TTXVN

Giảm nghèo vượt mục tiêunhưng chưa bền vững

Báo cáo của Chính phủ về kết quả 6 năm thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (Nghị quyết 76) cho thấy, những năm qua, Quốc hội, Chính phủ đã rất quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Kinh phí thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội được Chính phủ giao ổn định để các địa phương chủ động thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ người nghèo nâng cao thu nhập, tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản. Đồng thời, việc triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo thông qua các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2016-2020… đã đạt những kết quả tích cực; tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt các mục tiêu nhiệm vụ Quốc hội đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 còn 3,75% và ước năm 2020 còn khoảng 2,75%, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo còn 27,85% năm 2019, ước cuối năm 2020 còn khoảng 24%, trung bình mỗi năm giảm 5,28%.

Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và một số ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cũng chỉ ra không ít hạn chế trong công tác giảm nghèo. Cụ thể như, chưa khắc phục được một số vướng mắc cơ bản trong thực hiện giảm nghèo giai đoạn trước, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tình trạng phát sinh nghèo còn cao. Tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 thoát khỏi tình trạng khó khăn chưa đạt mục tiêu đề ra là 20 - 30%; tại một số huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53%. Cùng với đó là khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt, chuẩn nghèo về thu nhập giai đoạn 2016-2020 chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm mức sống tối thiểu như Nghị quyết 76 đặt ra. Chuẩn nghèo thu nhập chỉ bằng 70% mức sống tối thiểu tại thời điểm năm 2015, tới nay chỉ còn bằng khoảng 45% mức sống tối thiểu. Việc lồng ghép các CTMTQG, các chương trình, dự án khác với CTMTQG về giảm nghèo còn bất cập; việc trục lợi chính sách vẫn còn xảy ra tại một số địa phương.

Giải quyết tình trạngthiếu đất sản xuất để tạosinh kế cho người nghèo

Để đạt mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Quốc hội, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác giảm nghèo, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống dưới 3% theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ bình quân hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm xuống dưới 26%; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, phát sinh nghèo do các nguyên nhân chủ quan. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ sẽ thực hiện toàn diện, hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo để nâng cao chất lượng cuộc sống và hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản phù hợp theo các tiêu chí đo lường nghèo đa chiều.

Cho ý kiến về vấn đề này, một số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề bức thiết nhất hiện nay đó là chính sách đất ở, đất sản xuất; giao rừng, cho thuê rừng, chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đề nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá kỹ hơn để có giải pháp thực hiện dứt điểm tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo tinh thần Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị, phấn đấu đến năm 2025 sẽ giải quyết cơ bản vấn đề này. Bên cạnh đó, tăng cường giao đất, giao rừng cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để người dân có thể sống được bằng nghề rừng. “Hiện nay, trung bình diện tích rừng giao cho một hộ dân tộc thiểu số quản lý chỉ đạt trung bình 2,13ha/hộ, trong khi theo quy định mức khoán tối đa không quá 30ha/hộ” - Chủ tịch Hà Ngọc Chiến cho biết.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, đất ở, đất sản xuất là điều kiện tiên quyết để tạo sinh kế cho người dân, để giảm nghèo bền vững. Vì vậy, phải hết sức quan tâm thực hiện vấn đề này, bảo đảm có đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân.

Để nâng cao hiệu quả giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn tới, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành CTMTQG giảm nghèo và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định quy định chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 thay thế chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đề nghị, chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 phải bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bổ sung chiều thiếu hụt việc làm; khắc phục các bất cập về các chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt trong giai đoạn 2016-2020, đảm bảo người dân có thể tự xác định tình trạng nghèo của gia đình; đồng thời, phân cấp cho địa phương để giải quyết các ưu tiên giảm nghèo đa chiều phù hợp với thực tiễn địa phương.
Đ.KHOA