Minh bạch tiền công đức
Xã hội - Ngày đăng : 08:05, 16/04/2015
(BKTO) - Minhbạch tiền công đức thu được tại di tích vẫn là vấn đề làm “nóng” dư luận quanhiều mùa lễ hội trong thời gian qua. Tại cuộc họp đánh giá công tác tổ chức lễhội diễn ra mới đây, vấn đề quản lý tiền công đức tiếp tục được đặt ra và lạirơi vào bế tắc vì thiếu phương án khả thi.
Tiền công đức phải được công khai, minh bạch, hướng vào mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Ảnh: T.K
Tuy nhiên, chỉ riêng số tiền công đức thu được tại các di tích được quản lý ra sao vẫn còn là câu hỏi chưa có lời giải, trong bối cảnh có nhiều cơ chế quản lý khác nhau. Có nơi, tiền công đức được giao cho chính quyền hoặc ngành văn hóa quản lý. Có nơi Nhà nước trực tiếp lập ban quản lý, kiểm soát chi tiêu theo quy chế. Có nơi lại do địa phương tự lập ban quản lý.
Nghị định số 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo có nhắc đến nguồn thu từ công đức. Sau đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã cùng Bộ Nội vụ nghiên cứu, cho ra đời Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo với mong muốn minh bạch hóa việc quản lý nguồn tiền công đức. Tuy nhiên, Thông tư này cũng chỉ dừng lại ở việc yêu cầu các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai, minh bạch số tiền, tài sản được công đức; ban quản lý phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích... Vấn đề minh bạch ra sao, phương thức thu nhận, quản lý như thế nào vẫn đang được bàn và chưa có một hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện cụ thể.
Trong những cuộc họp bàn tìm phương án quản lý đối với nguồn tiền công đức tại di tích, trước phương án cho rằng nên giao cho chính quyền quản lý nguồn tiền này, nhiều chuyên gia bày tỏ quan điểm không đồng thuận, vì tiền công đức là do nhiều người đem đến một cách tự nguyện nên ban quản lý mà là đại diện chính quyền liệu có hợp lý?
Thực tế, dù không có những con số thống kê chính thức, nhưng số lượng tiền công đức thu được từ mỗi di tích là không hề nhỏ. Tuy nhiên, do không được công khai nên không ai biết việc quản lý, sử dụng số tiền đó ra sao. Cũng từ đó mà xảy ra hiện tượng lợi dụng công đức để tư lợi. Chưa kể, hiện tượng “khoán” tiền công đức xuất hiện tại một số di tích thời gian qua cũng gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình như trước đó là câu chuyện khoán thu tiền công đức ở đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An); gần đây là trường hợp đền Tam Lang (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cũng được giao khoán cho một cá nhân đứng ra để kinh doanh thu phí. Rõ ràng việc xuất hiện yếu tố tư nhân và hơi hướng kinh doanh trong quản lý đã khiến di tích mất đi yếu tố linh thiêng vốn có.
Như vậy, về mặt quản lý Nhà nước đã có Nghị định, Thông tư liên bộ, có Chỉ thị của Ban Bí thư và Công điện của Thủ tướng, yêu cầu phải công khai, minh bạch trong việc quản lý, sử dụng tiền công đức. Song mô hình quản lý thế nào là thích hợp vẫn còn bỏ ngỏ. Do có rất nhiều loại hình di tích với nhiều cơ chế quản lý khác nhau nên việc có một mô hình thống nhất là rất khó, song dù mô hình nào thì cũng phải công khai minh bạch, hướng vào mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản.
PHỐ HIẾN