Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung quy định Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán môi trường
Đối nội - Ngày đăng : 09:10, 15/10/2020
(BKTO)- Chiều 14/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 49, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Tại phiên họp, trên cơ sở kiến nghị của KTNN và các ý kiến thảo luận, UBTVQH đã thống nhất bổ sung vào Dự thảo Luật quy định về hoạt động KTNN đối với công tác bảo vệ môi trường.
Toàn cảnh phiên hop - Ảnh: quochoi.vn |
Tại Phiên họp, các thành viên UBTVQH đã tập trung cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật như: phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, đánh giá tác động môi trường, thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, NSNN cho bảo vệ môi trường…
Liên quan đến vấn đề kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, KTNN đã có Công văn số 990/KTNN-CN III ngày 11/9/2020; Công văn số 1080/KTNN-CN III ngày 02/10/2020 đề nghị sửa lại Điều 75 quy định KTNN thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường đối với các cơ quan nhà nước và các đơn vị khác có liên quan trong công tác bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn áp dụng hiện nay và nhiều nước trên thế giới. Quy định như Điều 75 của Dự thảo Luật hiện nay chỉ áp dụng đối với kiểm toán độc lập.
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, kiểm toán môi trường được áp dụng đối với các DN, cơ sở sản xuất nhằm đánh giá mức độ hiệu quả sử dụng tiết kiệm tài nguyên, quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Nội dung về kiểm toán môi trường trong Dự thảo Luật nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán. Mục đích của hoạt động này nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường của DN, giúp DN nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn.
Mặt khác, theo quy định của Luật KTNN, môi trường là tài sản công, được hiểu dưới dạng tài nguyên bao gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản. Việc quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên như đất đai, nước, khoáng sản thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản…, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật BVMT. Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị được giữ quy định về kiểm toán môi trường như Điều 75 của Dự thảo Luật.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành phát biểu tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn |
Thảo luận vấn đề này, các ý kiến trong UBTVQH khẳng định việc KTNN thực hiện kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường là cần thiết và quy định như Dự thảo Luật là chưa đầy đủ, toàn diện.
Đồng tình quan điểm của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho rằng, một số yếu tố của môi trường như đất đai là tài sản công và đã là tài sản công thì KTNN phải có trách nhiệm kiểm toán. Môi trường là nguồn lực quốc gia do Nhà nước quản lý, cho nên vai trò của KTNN như quy định trong Dự thảo Luật này chỉ kiểm toán chất thải là không toàn diện.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, trong kiểm toán môi trường có chức năng kiểm toán hoạt động của các ngành như hoạt động của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kiểm toán hoạt động liên quan đến môi trường của một địa phương, một tỉnh… nhất là khi môi trường đang là vấn đề nóng. Vì vậy, ông Hải đề nghị cần nghiên cứu, thảo luận lại vấn đề này, nhất là những vấn đề KTNN đề xuất. Việc kiểm toán này sẽ giúp Chính phủ, giúp cho ngành tài nguyên môi trường tốt hơn. Nếu chỉ sử dụng kiểm toán độc lập thì sẽ không kiểm toán những vấn đề liên quan đến tài sản công, còn nếu KTNN chỉ kiểm toán yếu tố chất thải, nước thải trong một dự án, một khu vực thì sẽ không đúng yêu cầu về kiểm soát môi trường.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp - Ảnh: quochoi.vn |
Tán thành quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, phải có hoạt động KTNN đối với công tác quản lý và bảo vệ môi trường; cần nghiên cứu, xác định nội hàm kiểm toán của KTNN một cách hợp lý, còn quy định như Dự thảo Luật là chưa phù hợp. Theo đó, những vấn đề về quản lý và bảo vệ môi trường liên quan đến tài chính công, tài sản công phải được kiểm toán một cách chặt chẽ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên thảo luận - Ảnh: quochoi.vn |
N. HỒNG