Tăng cường hỗ trợ pháp lý cho DN: Đáp ứng tốt hơn nhu cầu của DN và người lao động

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:15, 16/04/2015

(BKTO) - Thời gianqua, một số vụ việc phát sinh trong lĩnh vực lao động, việc làm đã gây ảnhhưởng tới tình hình sản xuất, kinh doanh của DN. Thực trạng này đặt ra yêucầu cần phải tăng cường hơn nữa công tác hỗ trợ pháp lý đối với DN, qua đó giúpgiải quyết ổn thỏa những vướng mắc, đảm bảo hài hòa về nhu cầu của DN và người lao động.



Cần tăng cường nguồn lực để triển khai sâu rộng chương trình hỗ trợ pháp lý cho người lao động.Ảnh: T.K
Hỗ trợ pháp lý cho DN - Kết quả và hạn chế

Tại Hội nghị: “Triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho DN” do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức mới đây, ông Hà Đình Bốn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết, giai đoạn 2010-2014, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN đã đạt được những kết quả nhất định, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, tránh thiệt hại lớn cho DN, đảm bảo hài hòa quan hệ lao động.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong 3 năm (2012-2014), hơn 3.000 lượt văn bản đã được ban hành nhằm giải đáp những vướng mắc của DN trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH)… Bộ này cũng thường xuyên cử đại diện trả lời các vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổng hợp. Trên cơ sở tiếp nhận kiến nghị của DN và người lao động tại DN, nhiều văn bản pháp luật có liên quan đã được sửa đổi, bổ sung, góp phần giúp DN thúc đẩy kinh doanh, ổn định sản xuất. Bộ LĐ-TB&XH đã lồng ghép nội dung hỗ trợ pháp lý với tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động tại các hội nghị, hội thảo. Thông qua đó, DN đã được trang bị, phổ biến thêm nhiều chính sách pháp luật mới và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia để từ đó định hướng, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ pháp lý cho DN vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tính tuân thủ pháp luật của các DN chưa thực sự tốt, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (chiếm gần 97% DN Việt Nam). Các hình thức hỗ trợ pháp lý cho DN chưa thường xuyên và chưa đáp ứng được nhu cầu của DN. Công tác hỗ trợ pháp lý cho DN còn tản mạn, chưa đảm bảo tính hệ thống, bài bản do thiếu đơn vị làm đầu mối. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý còn quá ít so với nhu cầu thực tế của các DN.

Đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý cho DN

Hiện tại, nước ta có gần 60% dân số trong độ tuổi lao động. Trong khi đó số vụ việc phát sinh tại các DN liên quan đến lĩnh vực lao động, việc làm có xu hướng gia tăng với mức độ ngày càng đa dạng và phức tạp do công tác hỗ trợ pháp lý còn nhiều hạn chế.Để giúp DN giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, đảm bảo quan hệ lao động ổn định, hài hòa, theo các chuyên gia, công tác hỗ trợ pháp lý đối với DN cần phải được ưu tiên.

Cho rằng các chính sách pháp luật hiện còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động của DN, theo bà Trần Thị Lan Anh - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI), DN rất cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía các Bộ, ngành, các chuyên gia, đặc biệt là nhu cầu hỗ trợ trực tiếp đối với từng vấn đề cụ thể.

Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế (Bộ Tư pháp), cho rằng côngtác hỗ trợ pháp lý cho các DN ở Việt Nam nên có sự tham khảo và học hỏi kinh nghiệm từ quốc tế và phải được Chính phủ đặc biệt coi trọng, hỗ trợ thêm về kinh phí.

Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người lao động là một trong những mục tiêu mà các chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN hướng tới. Do đó, theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, cần bố trí thêm nguồn lực để có thể triển khai sâu rộng chương trình hỗ trợ pháp lý cho DN. Đồng thời, nâng cao chất lượng của hoạt động giải đáp pháp luật cho DN trong các buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm, qua đó giúp các DN hiểu biết, tuân thủ pháp luật và thu thập ý kiến góp ý để hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động.

THÀNH ĐỨC