Tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ nghề nghiệp để tổ chức thực hiện tốt hoạt động kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:25, 21/10/2020

(BKTO) - Đây là một trong những mục tiêu quan trọng của Quy trình kiểm toán (QTKT) vừa được KTNN ban hành.


                
   

Ảnh minh họa

   

Theo đó, QTKT quy định trình tự, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán do KTNN thực hiện. QTKT được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật KTNN, Hệ thống Chuẩn mực KTNN và thực tiễn hoạt động kiểm toán, bao gồm 4 bước: chuẩn bị kiểm toán; thực hiện kiểm toán; lập và gửi báo cáo kiểm toán; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Trong hoạt động kiểm toán, nếu có các trường hợp phát sinh khác ngoài quy định của Quy trình này, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán, tổ chức và cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán, cộng tác viên KTNN phải báo cáo kiểm toán trưởng hoặc thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm toán trình xin ý kiến của Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét quyết định.

Đối tượng áp dụng của QTKT gồm: các đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán, các đoàn kiểm toán của KTNN, thành viên đoàn kiểm toán, các đơn vị trực thuộc KTNN được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng kiểm toán, tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán; các tổ chức và cá nhân được ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán, cộng tác viên KTNN, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Thành viên đoàn kiểm toán không phải là kiểm toán viên nhà nước (KTVNN) khi tham gia đoàn kiểm toán phải áp dụng Quy trình này như đối với KTVNN.

Việc ban hành QTKT mới thay thế cho Quy trình cũ ban hành từ cuối năm 2016 nhằm bảo đảm tính thống nhất trong việc tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN, đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán; tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ nghề nghiệp để tổ chức các công việc trong một cuộc kiểm toán, các hoạt động của đoàn kiểm toán và KTVNN. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đảm bảo chất lượng kiểm toán, đánh giá chất lượng các cuộc kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp của KTVNN; làm căn cứ để xây dựng hướng dẫn kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán của KTNN và việc xây dựng hệ thống mẫu biểu, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng các ngạch KTVNN.

QTKT cũng đặt ra yêu cầu đối với đoàn kiểm toán và thành viên đoàn kiểm toán; vấn đề kiểm soát chất lượng kiểm toán; tài liệu, hồ sơ kiểm toán. Đặc biệt, QTKT quy định chi tiết từng khâu trong 4 bước thực hiện nhằm hướng dẫn việc tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán đạt hiệu quả cao./.

HỒNG NHUNG