Quản lý ngân sách phải gắn với hiệu quả
Đối nội - Ngày đăng : 07:10, 23/04/2015
(BKTO) - Được đánh giá làđã chỉnh lý, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, song Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) vẫntiếp tục nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu tại Hội nghị đại biểuQuốc hội chuyên trách vừa qua. Làm thế nào để đảm bảo quản lý, sử dụng ngânsách thật hiệu quả vẫn là vấn đề được các đại biểu đặt ra trong buổi thảo luậnvề Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Lê Nam phát biểu ý kiến về Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi). Ảnh: TTXVN
Với tinh thần đó, tại Hội nghị, quy định về nguyên tắc quản lý NSNN đã được nhiều đại biểu cho ý kiến. Theo báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật NSNN (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đối với việc bảo đảm nguyên tắc thu, chi phải có dự toán, Hiến pháp đã quy định: “Các khoản thu, chi phải được dự toán và do luật định”. Vì vậy, Luật NSNN phải bảo đảm nguyên tắc này. Đây cũng là một nguyên tắc trong quản lý NSNN, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm việc triển khai thuận lợi trên thực tế, Dự thảo Luật đã trình Quốc hội cho ý kiến, quy định: “Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật thuế và chế độ thu theo quy định của pháp luật” (khoản 3 Điều 8); “Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan có thẩm quyền quy định” (khoản 4 Điều 8)... Đồng thời, bổ sung vào khoản này quy định nguyên tắc: “Không được chi ngân sách ra khỏi Kho bạc Nhà nước nếu khoản chi đó không có trong dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định”.
Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu đồng tình cho rằng, quy định này là rất chặt chẽ nhằm siết chặt kỷ cương trong quản lý NSNN, hạn chế được sự tùy tiện trong chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) lại bày tỏ băn khoăn cho rằng, nguyên tắc quản lý thu chi NSNN theo dự toán vốn được coi như một “bảo bối” lại chính là nguyên nhân gây ra thất thoát, lãng phí ngân sách rất lớn. Theo ông Nam, việc quản lý đồng tiền của chúng ta hiện nay không gắn với hiệu quả. Hồ sơ rất “đẹp”, cứ miễn đến cuối năm thanh quyết toán “đẹp” là được, hết chương trình, dự án quyết toán “đẹp” là được.
Thực tế trong quản lý của ta hiện nay, xây xong một ngôi nhà rất đẹp, nhưng chả có ai vào ở; trồng rừng cứ quyết toán cho đủ, nhưng thực tế trồng không đủ số cây! Từ đó, ông Nam đề nghị: Dự thảo Luật cần bổ sung nguyên tắc chịu trách nhiệm của chủ tài khoản để việc quản lý đồng tiền phải đảm bảo nguyên tắc trách nhiệm và có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phải đổi mới quyết liệt quy định về định mức tiêu chuẩn chế độ, bởi vì định mức tiêu chuẩn chế độ hiện nay không theo kịp cuộc sống.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, quy định toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán là cần thiết, song thực tế lâu nay có tình trạng dự toán của rất nhiều khoản chi không hoặc chưa thực sự theo kịp và chưa phù hợp với thực tiễn. “Có những trường hợp cứ đúng như theo quy định của tài chính mà chi thì lại không được việc, cho nên mới có chuyện đôi khi cứ phải "vẽ" ra, phải "biến báo" để cho đúng. Do đó, tôi đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật nguyên tắc để đảm bảo việc chi các khoản chi NSNN đúng và phù hợp với thực tiễn” - Đại biểu Cương nói.
Rạch ròi trong phân cấp quản lý ngân sách
Liên quan đến quy định phân cấp quản lý ngân sách Trung ương và địa phương, các đại biểu Quốc hội ủng hộ tính minh bạch, rõ ràng trong phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi trong Dự thảo Luật song cho rằng, Dự thảo Luật cần khắc phục tính lồng ghép của ngân sách thì mới giải quyết dứt điểm những tồn tại hiện nay trong quản lý NSNN, tạo tính chủ động trong quyết định ngân sách của địa phương. Đại biểu Trần Du Lịch (TP. HCM) trăn trở: “Luật NSNN (sửa đổi) lần này vẫn cơ bản như cũ, thực hiện cơ chế ngân sách lồng ghép Trung ương - địa phương; không có sự rành mạch cần thiết nên sẽ không hạn chế được cơ chế xin - cho!”.
Theo ông Lịch, để giải bài toán này cần phân định rạch ròi giữa ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương. Theo đó, ngân sách địa phương gồm hai khoản rõ ràng là nguồn thu của địa phương và khoản trợ cấp từ Trung ương. Khoản thứ nhất là khoản tự chủ, do Hội đồng nhân dân quyết định và khoản thứ hai là không tự chủ, do Quốc hội quyết định và giám sát. Từ đó, sẽ giải quyết được cơ chế xin - cho hiện nay.
Đảm bảo thực quyền quyết định ngân sách của Quốc hội và rạch ròi phân cấp ngân sách Trung ương - địa phương cũng là quan điểm của Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu). Ông Thụ cho rằng, muốn đổi mới căn cơ, toàn diện thì phải làm Luật ngân sách thường niên và có thể điều chỉnh Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (cũng đang được sửa đổi) để có quy trình riêng làm luật này.
Xuất phát từ thực tế cho rằng rất nhiều việc Trung ương không nên làm mà nên để địa phương làm sẽ hiệu quả hơn, đại biểu Lê Nam kiến nghị: “Phải làm sao để ngân sách Trung ương là máu thịt của địa phương, đừng tạo ra tâm lý đó là của đi xin, miễn là xin được. Đó là vấn đề cực kỳ nguy hiểm trong quản lý ngân sách hiện nay”. Để giải quyết tình trạng này, đại biểu Lê Nam cho rằng, nên giao ngân sách cho địa phương và đó chính là khoản thu của địa phương, thì việc sử dụng mới có hiệu quả.
NGUYỄN HỒNG