Chuyển đổi số để phục hồi và phát triển du lịch

Kinh tế - Ngày đăng : 09:15, 26/10/2020

(BKTO) - Chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư siêu tiết kiệm, có thể giúp DN xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và phát triển sau những biến động của thị trường do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.



Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho DN du lịch. Ảnh: P.Tuân

Nhiều lợi ích từ chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số giúp DN du lịch mở rộng thị trường, nâng cao khả năng trải nghiệm cho khách hàng cũng như năng suất lao động, tăng doanh thu và lợi nhuận. Ngoài ra, chuyển đổi số còn góp phần hình thành nền tảng dữ liệu số du lịch và hệ thống công nghệ số để tự động hóa các quy trình cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho khách du lịch; quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình phục vụ du khách, nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ, mang lại giá trị cao cho DN. Thế giới đang ở trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó, sự phát triển của các công nghệ hiện đại, các vật liệu mới đã và đang làm thay đổi từ nhận thức, tri thức đến mọi mặt xã hội. Du lịch là ngành kinh tế gắn liền với đời sống xã hội, do vậy, DN cần thiết phải đi trước trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Thanh Hưng, trên thế giới, ngành du lịch nhiều quốc gia đã và đang tiến hành chuyển đổi số, đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế số. Kết hợp với thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ, du lịch dần thay đổi, hướng tới một ngành kinh tế thông minh. Theo dự đoán, chuyển đổi số sẽ tạo ra 305 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2025, mang lại lợi ích 700 tỷ USD cho khách du lịch và xã hội thông qua việc giảm tác động đến môi trường, cải thiện an toàn, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư siêu tiết kiệm.

Nhiều chủ DN cho rằng, chuyển đổi số trong ngành du lịch không hẳn là giải pháp “hoành tráng” như: Big Data (dữ liệu lớn), blockchain (công nghệ chuỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo)... mà nhiều khi chỉ đơn giản là giữ được quan hệ với khách hàng thông qua những ứng dụng Zalo, Facebook, Google, hệ thống quản trị khách hàng, thông tin dữ liệu về điểm đến du lịch an toàn, chương trình khuyến mãi đặc biệt... Nhờ cách làm này, voucher giảm giá tại một số resort vẫn bán chạy, một số tour nội địa vẫn thành công, các tour nghỉ dưỡng cuối tuần vẫn kín khách...

Giúp tiết kiệm chi phí,nguồn nhân lực

Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, nhiều DN buộc phải cắt giảm nhân sự, việc chuyển đổi số giúp DN có thể tiếp tục vận hành với số ít nhân lực còn lại, chi phí con người giảm xuống nhưng hiệu quả lại tăng lên. Giám đốc Công ty Du lịch Travelogi Vũ Văn Tuyên cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ mà Công ty vừa giải được bài toán về quỹ lương, vừa tăng hiệu quả công việc. “Dịch bệnh Covid-19 và áp lực tài chính khiến Công ty buộc phải chuyển mình. Hiện nay, hiệu quả của các phần mềm giúp cho Công ty chỉ cần 6 người vẫn có thể làm được việc của 30 người mà không cần đến văn phòng” - ông Tuyên chia sẻ.

Đồng quan điểm, Tổng Giám đốc Công ty Kỳ nghỉ Đông Dương Phạm Minh Tú cho rằng, công nghệ và internet đã giúp vận hành công ty hoàn toàn trên nền tảng trực tuyến và từ đó có thể tiếp cận được khách hàng khắp cả nước. Vận hành trực tuyến giúp giảm chi phí về trụ sở, con người, công tác văn phòng và thủ tục hành chính, từ đó chi phí dịch vụ cũng được giảm, cả DN lẫn khách hàng đều được hưởng lợi. Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh cho hay, Ninh Bình đã và đang sử dụng chuyển đổi số để phát triển du lịch. Thực tế, công cụ này tiết kiệm được nguồn nhân lực cho DN, quảng bá kịp thời hình ảnh, chất lượng, chương trình bán sản phẩm. Do đó, chuyển đổi số sẽ giúp các DN du lịch tiết kiệm chi phí marketing, quảng bá sản phẩm và đầu tư đào tạo cho nguồn lao động du lịch chất lượng cao.

Nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế của du lịch toàn cầu, đại diện một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã nhận định về khả năng triển khai chuyển đổi số của du lịch Việt Nam. Theo Giám đốc Chính sách công Việt Nam (Tập đoàn Facebook) Nguyễn Ánh Nguyệt, khảo sát xu hướng dịch vụ tại Việt Nam nửa cuối năm 2020 do Facebook thực hiện cho thấy: 86% người tiêu dùng Việt Nam có ý định tự thưởng cho bản thân (sau các đợt giãn cách xã hội vì Covid-19 bùng phát), 87% có ý định chia sẻ quà tặng cho người thân. Đáng chú ý, có tới 93% người tiêu dùng tìm kiếm thông tin về du lịch qua Facebook. Dựa trên kết quả này, bà Nguyệt cho rằng Facebook và các nền tảng số khác là tiềm năng để thúc đẩy du lịch. Các DN du lịch cần nhanh chóng chuyển đổi số để tận dụng các nền tảng kỹ thuật trong lĩnh vực marketing, quảng bá sản phẩm du lịch của mình.

Để thúc đẩy chuyển đổi số nhằm phục hồi và phát triển du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, Tổng cục Du lịch triển khai ngay 5 lĩnh vực: đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số cho marketing du lịch; quản lý điểm đến du lịch một cách thông minh; xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu Big Data phải lớn để đưa vào sử dụng chung; kêu gọi các DN cùng phát động, hưởng ứng; lan tỏa công nghệ số đến với mọi cấp mọi ngành, ai cũng có thể sử dụng để hỗ trợ phát triển du lịch.

LÊ HÒA