Tiếp tục xử lý các hành vi tham nhũng, không có vùng cấm

Đối nội - Ngày đăng : 16:35, 26/10/2020

(BKTO) - Sáng 26.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội họp trực tuyến, thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.


Điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, về công tác phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, các bộ, ngành, địa phương thường xuyên tuyên truyền nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm, nhất là tội phạm phát sinh liên quan đến dịch Covid-19. Xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình, điển hình trong bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
                
   

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020

   

Về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, đã điều tra, làm rõ 40.026 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 85,69%; triệt phá 3.070 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại. Toàn quốc xảy ra 46.710 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, giảm 2,76%, hầu hết các loại tội phạm nghiêm trọng đều giảm, một số loại tội phạm tăng, như giết người, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, tội phạm liên quan đến cờ bạc... Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).

Về chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm đã tiếp nhận mới 120.791 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (tăng 4,27%), giải quyết 122.722 tin, đạt tỷ lệ 86,84%...

Kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm

Báo cáo công tác năm 2020 của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) do Viện trưởng Lê Minh Trí trình bày cho biết, năm 2020, ngành đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nỗ lực phấn đấu thực hiện và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao, khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế năm 2019.
                
   

Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2020

   

Cụ thể, chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát các cấp đã kiểm sát 100% việc tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, ban hành hơn 103.100 văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh, tăng 9,6%; trực tiếp kiểm sát gần 1.300 cuộc tại Cơ quan điều tra. Bên cạnh đó, kết quả, chất lượng công tác điều tra, truy tố được nâng lên, vi phạm, sai sót giảm dần. Theo đó, tỷ lệ bắt, tạm giữ, chuyển xử lý hình sự đạt cao (98%), tỷ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng giảm 0,57% (ở cấp Trung ương giảm 7,1%), tỷ lệ truy tố đúng thời hạn vượt 9,99%, truy tố đúng tội danh vượt 4,9% chỉ tiêu Nghị quyết 96 của Quốc hội, tỷ lệ kháng nghi án hình sự cũng vượt chỉ tiêu của Quốc hội…

Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa đáp ứng yêu cầu của Quốc hội
                
   

Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2020

   

Báo cáo công tác năm 2020 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) do Chánh án Nguyễn Hòa Bình trình bày cho biết, trong năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, phải tạm dừng xét xử trong một tháng, nhưng các Tòa án đã thụ lý 602.252 vụ việc, đã giải quyết được 544.604 vụ việc (đạt tỷ lệ 90,4%); so với năm 2019, số vụ việc đã giải quyết tăng 44.243 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 1,06%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra (thấp hơn 0,44% so với chỉ tiêu của Quốc hội là 1,5%).

Thu hồi 15.417 tỷ đồng từ các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, về kết quả công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC), tổng số việc phải thi hành là 886.829 việc; số có điều kiện thi hành án là 709.505 việc, thi hành xong 577.582 việc, đạt tỉ lệ 81,41%. Tổng số tiền phải thi hành trên 264.911 tỷ đồng; số có điều kiện thi hành là trên 134.115 tỷ đồng, thi hành xong trên 53.779 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 40,10%. Kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 3.605 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 80,33%, thu được số tiền là trên 15.417 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,43%.
                
   

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2020

   

Về áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế trong THADS, các cơ quan THADS đã ra 9.168 quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, tương ứng số tiền hơn 4.233 tỷ đồng. Đã ra 11.369 quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế, đã thực hiện cưỡng chế có huy động lực lượng đối với 3.882 trường hợp…

Một số loại tội phạm nghiêm trọng gia tăng

Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2020 do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày cho biết, Ủy ban Tư pháp cơ bản đồng tình với những nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2020

   

Tuy nhiên, một số loại tội phạm nghiêm trọng lại gia tăng, như: hiếp dâm tăng 13,51% (trong đó hiếp dâm trẻ em tăng 30,38%); gây rối trật tự công cộng tăng 53,51%; chống lại lực lượng Công an đang thi hành nhiệm vụ tăng 260%. Về công tác điều tra xử lý tội phạm có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng công tác điều tra đã được nâng lên rõ rệt song tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt yêu cầu của Quốc hội.

Về công tác của ngành Kiểm sát, Ủy ban nhận thấy, năm qua, trong công tác kiểm sát điều tra, VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện, yêu cầu hủy bỏ 164 quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra và ban hành 1.315 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm; số kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt tỷ lệ 99,5%, vượt 19,5% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội.

Về công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC cơ bản bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, số vụ án được phát hiện, khởi tố, điều tra đều tăng lên; tỷ lệ thu hồi tài sản do phạm tội tham nhũng mà có tăng 11,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm giảm 13,3%, chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Đáng lưu ý, tỷ lệ giải quyết án rất nghiêm trọng, án đặc biệt nghiêm trọng là 63%, chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là trên 90%...
                
   

   
Giải quyết các vụ án hình sự vượt 9,8% chỉ tiêu Quốc hội

Về công tác của ngành Tòa án, trong công tác giải quyết các vụ án hình sự, tỷ lệ giải quyết án đạt 97,8%, vượt 9,8% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Trong công tác giải quyết các vụ, việc dân sự, tỷ lệ giải quyết vượt 11,02% so với chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội, đặc biệt, tỷ lệ giải quyết việc dân sự vượt 19%, tỷ lệ giải quyết vụ việc lao động vượt 15,2%...

Tuy nhiên, các TAND vẫn còn nhiều vi phạm dẫn tới VKSND phải ban hành 657 kiến nghị yêu cầu khắc phục trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự; 1.628 kiến nghị trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; 81 kiến nghị trong quá trình giải quyết án hành chính.

Tiếp tục xảy ra vi phạm trong xác minh, phân loại điều kiện thi hành án

Về công tác thi hành án dân sự, hành chính, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ. Tuy nhiên, tỷ lệ thi hành xong về việc trong tổng số án dân sự có điều kiện thi hành giảm so với năm 2019; vẫn tiếp tục xảy ra các vi phạm trong xác minh, phân loại điều kiện thi hành án; quản lý, xử lý tiền, tài sản thi hành án... Trong công tác thi hành án hành chính, tỷ lệ thi hành án đạt thấp (43,73%), số vụ án hành chính tồn đọng chưa thi hành xong có xu hướng ngày càng tăng. Đáng lưu ý, phần lớn các bản án hành chính chậm được thi hành thì người phải thi hành án lại là UBND, Chủ tịch UBND (446/467).

Theo daibieunhandan.vn