Một số ý kiến về giải ngân vốn đầu tư công

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:25, 29/10/2020

(BKTO) - Chưa bao giờ như năm nay, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chủ trì 2 Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC). Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã trực tiếp làm Trưởng đoàn 7 đoàn công tác kiểm tra tình hình giải ngân vốn ĐTC của các Bộ, ngành, địa phương. Góp phần cùng cả nước thực hiện tốt nhiệm vụ này, KTNN đã nghiên cứu, đúc kết thực tiễn hoạt động kiểm toán để đề xuất nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC.



KTNN đã nghiên cứu, đề xuất nhiều nhóm giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC. Ảnh tư liệu

Thiếu sót từ phê duyệtchủ trương đầu tư,giao kế hoạch vốn đếngiải phóng mặt bằng…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, lũy kế giải ngân vốn ĐTC đến ngày 31/8/2020 đạt khoảng hơn 221.000 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch được giao. Như vậy, những tháng cuối năm, chúng ta còn phải giải ngân 53% kế hoạch. Đây là áp lực rất lớn, đòi hỏi sự cố gắng của tất cả các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt ở các địa phương có 80% kế hoạch vốn.

Qua kiểm toán, KTNN nhận thấy, việc giải ngân vốn ĐTC những năm qua còn một số bất cập, hạn chế:

Phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Lập và phê duyệt tổng mức đầu tư nhiều dự án thiếu chính xác, thiếu cơ sở, chưa phù hợp với thực tế, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Một số dự án có tiêu chí quan trọng quốc gia chưa báo cáo Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Giao kế hoạch vốn không sát khả năng thực hiện, dẫn đến nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân nhưng các Bộ, ngành, địa phương vẫn giữ lại, không báo cáo điều chuyển cho các dự án khác. Bố trí vốn ĐTC trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho một số dự án không đúng đối tượng, chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh danh mục dự án khi chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách; việc kiểm đếm, thống kê, xác định đối tượng, khối lượng, giá trị đền bù; người dân chưa đồng thuận.

Sai sót trong công tác lựa chọn nhà thầu dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án. Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các đơn vị liên quan không thực hiện đúng trình tự đấu thầu; phân chia gói thầu không hợp lý; lựa chọn nhà thầu không đúng. Trong nhiều trường hợp, việc lựa chọn nhà thầu không tốt, năng lực kém dẫn đến sau khi ký hợp đồng, các nhà thầu đã nhận tiền tạm ứng nhưng không tổ chức thi công được.
Việc tổ chức thực hiện dự án còn nhiều hạn chế, yếu kém như: thiếu thiết kế bản vẽ thi công, chưa tuân thủ thiết kế cơ sở hoặc điều chỉnh chưa kịp thời; thiết kế chưa hợp lý, chưa tiết kiệm vốn đầu tư, chưa tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật; dự toán còn sai sót. Tiến độ chậm so với kế hoạch ban đầu rất nhiều nhưng các chủ đầu tư và các đơn vị có liên quan chưa làm rõ trách nhiệm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân vốn ĐTC thấp so với kế hoạch được giao.

3 nhóm giải pháp thúc đẩygiải ngân vốn đầu tư công

Thực trạng trên xuất phát từ vướng mắc về thể chế như thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa, phải xét duyệt qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian. Cùng với đó, việc thiết kế, dự toán chưa chủ động, linh hoạt. Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ lưỡng khiến việc thực hiện dự án và kế hoạch thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần; lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, chưa sát với khả năng giải ngân; giao kế hoạch vốn chậm. Việc tổ chức triển khai thực hiện tại các Bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, chưa phối hợp tốt và quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng; một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế. Nguồn vốn ODA mang tính đặc thù, việc giải ngân còn liên quan đến nhiều hiệp định, chính sách, pháp luật của Việt Nam. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn ĐTC…

Trước thực trạng này, KTNN đã đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có 3 nhóm giải pháp cơ bản: Một là, sửa đổi cơ chế, chính sách, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ kịp thời các rào cản trong quá trình thực hiện giải ngân vốn ĐTC. Hai là, tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực hiện ĐTC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện giải ngân vốn ĐTC. Ba là, tăng cường kiểm toán, giám sát, phân bổ nguồn vốn ĐTC.

Trong đó, KTNN đóng vai trò rất quan trọng. Thông qua kiểm toán các Bộ, ngành, địa phương, các dự án ĐTC, KTNN sẽ nắm chắc thực trạng, bất cập, hạn chế, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, từ đó kiến nghị những giải pháp hoàn thiện chính sách phù hợp với thực tế, bịt lỗ hổng trong việc thực hiện nghị định, chính sách. Qua kiểm toán, KTNN cũng góp phần ngăn chặn, răn đe sai phạm trong ĐTC, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan trong giải ngân vốn ĐTC và thực hiện các dự án này. Kết quả kiểm toán của KTNN giúp các Bộ, ngành, HĐND các cấp giám sát chặt chẽ việc phân bổ giải ngân và hiệu quả ĐTC. Nhiều kết quả kiểm toán, kiến nghị của KTNN đã được Chính phủ, Quốc hội, HĐND các cấp sử dụng để xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thông thoáng trong giải ngân vốn ĐTC.
Lược ghi tham luận của TS. HOÀNG PHÚ THỌ
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV