Nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công: Địa phương và Kiểm toán Nhà nước phải cùng vào cuộc

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:20, 29/10/2020

(BKTO) - Là đơn vị được giao nhiệm vụ thường xuyên kiểm toán công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn 5 tỉnh, thành phố, KTNN khu vực I nhận nhấy, để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), cả địa phương và KTNN đều cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.


Đối với địa phương, trước tiên, ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cần xác định rõ điều kiện và khả năng triển khai thực hiện, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.Việc giao vốn hằng năm phải dựa trên kế hoạch sử dụng vốn của dự án được duyệt và có phương án riêng cho phần giải phóng mặt bằng với những dự án phức tạp, khối lượng lớn. Công tác giao kế hoạch vốn cần linh hoạt theo hướng giao một phần vốn trước để khảo sát, lập thiết kế dự toán sau khi dự án được duyệt; nghiêm túc xác định nợ xây dựng cơ bản vào cuối năm trước nhằm ưu tiên vốn cho trả nợ, vốn cho dự án hoàn thành vào năm sau, không để xảy ra tình trạng che đậy nợ, để dành vốn cho dự án khởi công mới. Riêng công tác giải phóng mặt bằng, các địa phương cần có phương án cụ thể theo từng dự án và huy động hệ thống chính trị làm công tác dân vận, tuyên truyền để có được sự đồng thuận của người dân. Bên cạnh đó, địa phương cần tạo lập quỹ nhà tái định cư, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh công tác này.

Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục rà soát để hoàn chỉnh và giữ ổn định lâu dài hệ thống các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng, hướng tới mục tiêu giảm bớt quy trình, thủ tục, lồng ghép các bước thực hiện và phân cấp cho chủ đầu tư. Công tác thẩm định chủ trương, dự án, kế hoạch vốn đảm bảo thống nhất tại một đầu mối là cơ quan kế hoạch và đầu tư; hệ thống đơn giá, định mức cần được các cơ quan chuyên môn và địa phương cập nhật, ban hành kịp thời. Nội dung quan trọng nữa là tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như đội ngũ viên chức làm công tác quản lý dự án, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ, quản lý và sử dụng vốn…

Về phía KTNN, cần tiến hành riêng biệt một số cuộc kiểm toán hoạt động theo chuyên đề về thực hiện các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn ĐTC. Ngoài ra, trong kiểm toán ngân sách địa phương, các đoàn kiểm toán cần tăng cường nhân lực và thời gian cho việc kiểm toán xác định nợ xây dựng cơ bản, đánh giá tính hợp lý trong việc giao kế hoạch ĐTC ở cả năm ngân sách được kiểm toán và năm sau đó. Lưu ý kiểm tra các chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao như: tổng kế hoạch vốn đầu tư, danh mục dự án, cơ cấu sử dụng nguồn vốn, điều kiện giao vốn, thủ tục đầu tư.

KTNN cần tập trung phát hiện bất cập trong cơ chế, chính sách về lập và giao kế hoạch ĐTC, đầu tư xây dựng, đấu thầu, hợp đồng xây dựng, giải phóng mặt bằng… để kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, góp phần hình thành hệ thống các quy định quản lý vốn ĐTC rõ ràng, minh bạch và phù hợp với thực tế.

Đặc biệt, KTNN cần tăng cường bố trí kiểm toán ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư - tiền kiểm và giai đoạn kết thúc đầu tư - trước khi dự án quyết toán, tạo cơ sở thuận lợi cho việc quyết toán giá trị dự án và giải ngân vốn ĐTC; hạn chế kiểm toán ở giai đoạn dự án đang triển khai, tránh chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm toán, giảm tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các đơn vị quản lý, sử dụng vốn đầu tư, nhất là trong thời điểm cuối năm. Các kiến nghị của đoàn kiểm toán phải đảm bảo tuân thủ pháp luật, nhất quán, rõ ràng, tránh gây tâm lý sợ trách nhiệm cá nhân dẫn tới việc không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong hoạt động đầu tư.

Lược ghi tham luận của ThS. HUỲNH HỮU THỌ
Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I