Chú trọng kiểm toán việc thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:45, 29/10/2020

(BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) những tháng đầu năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Việc đẩy nhanh tiến độ công tác này đòi hỏi các cấp, các ngành phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc chú trọng kiểm toán công tác thực hiện kế hoạch giải ngân vốn ĐTC.



Các đoàn kiểm toán bố trí thời gian, nhân lực phù hợp để kiểm toán công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ĐTC. Ảnh tư liệu

Vướng mắc trong giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công

6 tháng đầu năm 2020, kết quả giải ngân vốn ĐTC bình quân của cả nước đạt 35% kế hoạch (gồm vốn từ các năm trước chuyển sang); trong đó, tỷ lệ giải ngân bình quân của 4 tỉnh ở khu vực Tây Nguyên là 42,6%.

Kết quả giải ngân nửa đầu năm 2020 cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu. Nguyên nhân của thực trạng này là do quá trình thực hiện và giải ngân kế hoạch ĐTC năm 2020 vẫn gặp một số vướng mắc. Cụ thể, các thông tư hướng dẫn Nghị định số 68/2019/NĐ-CP của Chính phủ về chi phí quản lý đầu tư xây dựng có hiệu lực từ ngày 15/02/2020 nên một số dự án đang tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công nhưng chưa ký hợp đồng sau ngày các thông tư này có hiệu lực dẫn đến phải tổ chức thẩm định và phê duyệt điều chỉnh lại dự toán.

Theo khoản 7, Điều 17 Luật ĐTC năm 2019, HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương. Vì vậy, các dự án sử dụng vốn dự phòng chung ngân sách T.Ư giai đoạn 2016-2020 phải chờ đến kỳ họp HĐND tháng 5/2020 mới được phê duyệt chủ trương đầu tư và đến ngày 30/7/2020 mới giao vốn năm 2020, dẫn đến tiến độ giải ngân bị ảnh hưởng.

Đến ngày 29/7/2020, T.Ư mới hoàn thành việc giao bổ sung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 nên việc giao chi tiết kế hoạch vốn năm 2020 bị chậm. Hoạt động trong năm của các dự án ODA phải có ý kiến của nhà tài trợ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến kế hoạch thu tiền sử dụng đất cũng như tỷ lệ giải ngân chung của địa phương.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để triển khai dự án; có tâm lý chờ làm thủ tục giải ngân một lần đối với công trình có tổng mức đầu tư nhỏ. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Kết quả kiểm toán do KTNN khu vực XII thực hiện tại 4 tỉnh khu vực Tây Nguyên cho thấy, công tác giao kế hoạch vốn hằng năm chậm; giao vốn chưa phù hợp với thực tế; chưa kịp thời cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn NSNN của các dự án chậm giải ngân, các dự án không có nhu cầu vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, có khả năng giải ngân nhanh. Vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm được giải quyết. Chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án còn hạn chế. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt cũng như lập và phê duyệt quyết toán một số dự án còn chậm...

Cần thực hiện đồng bộcác giải pháp

Để thúc đẩy việc giải ngân vốn ĐTC, chủ đầu tư phải coi việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ công tác này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, chịu trách nhiệm trước lãnh đạo và nhân dân trên địa bàn về kết quả thực hiện; thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ; kiên quyết thay thế nhà thầu không đảm bảo yêu cầu về chất lượng và thời gian. Đồng thời, các sở, ban, ngành tăng cường thanh tra, kiểm tra các dự án; báo cáo lãnh đạo UBND các khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ kịp thời; rút ngắn thời gian thẩm định các dự án. Các Bộ, ngành, địa phương cần cắt giảm, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn NSNN của các dự án chậm giải ngân, các dự án không có nhu cầu vốn, điều chuyển cho các dự án quan trọng, cấp bách, có khả năng giải ngân nhanh. UBND các huyện, thị xã, thành phố tìm giải pháp đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư (nếu có), thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương…
Nhằm góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC tại các địa phương, KTNN cần phát huy hơn nữa vai trò của mình thông qua việc thực hiện một số giải pháp sau:

Nâng cao chất lượng kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản nói chung, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư. Nội dung kiểm toán công tác thực hiện kế hoạch giải ngân vốn ĐTC là một trọng tâm kiểm toán của cuộc kiểm toán. Các đoàn kiểm toán bố trí thời gian, nhân lực phù hợp để kiểm toán công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ĐTC tại cơ quan tổng hợp cũng như tại các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

Tập trung đánh giá công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, tính đúng đắn của chủ trương đầu tư, tính khả thi và khả năng triển khai thực hiện đối với các dự án, đặc biệt các dự án liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng để kiến nghị phù hợp.

Đối với các dự án chậm giải ngân kế hoạch vốn, tập trung làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà quản lý đầu tư; các nhà thầu xây lắp, cung cấp thiết bị, vật tư; nhà quản lý tư vấn... qua đó, kiến nghị địa phương có giải pháp cụ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục yếu kém và xử lý trách nhiệm đối với các vi phạm.

Tăng cường kiểm toán công tác nghiệm thu thanh toán kết hợp với kiểm tra hiện trường để tránh hiện tượng các dự án đẩy nhanh giải ngân vốn nhưng không đảm bảo chất lượng công trình; nghiệm thu khống khối lượng thực tế công trình để tránh chuyển vốn cho các dự án khác... Kiểm toán công tác lập, thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành nhằm làm rõ nguyên nhân gây chậm trễ việc quyết toán dự án và kiến nghị chấn chỉnh công tác này.

Các đoàn kiểm toán cần chú trọng việc phát hiện bất cập về cơ chế, chính sách của Nhà nước và từng địa phương trong quản lý đầu tư, phân bổ, giải ngân để kiến nghị tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ĐTC.

Lược ghi tham luận của ThS. PHẠM VĂN HỌC
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực XII