Công tác giải ngân phải là mục tiêu ưu tiên trong kế hoạch kiểm toán những năm tới
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:30, 29/10/2020
(BKTO) - Kiểm toán công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công (ĐTC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt hiện nay, công tác giải ngân nguồn vốn này đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo quyết liệt.
Bởi vậy, KTNN cần thực hiện tốt các giải pháp sau: Kế hoạch kiểm toán những năm tới cần xác định công tác giải ngân là mục tiêu ưu tiên khi kiểm toán lĩnh vực ĐTC. Các đơn vị trong Ngành tập trung trí tuệ, nhân lực để kiểm toán việc lập, phân bổ, giải ngân vốn; phân tích, làm rõ số thực giải ngân cho khối lượng công việc đã hoàn thành trong tổng số vốn đã giải ngân để đánh giá sát thực hiệu quả sử dụng, giải ngân vốn; phân tích những bất cập về cơ chế, chính sách ảnh hưởng đến kết quả giải ngân; đồng thời đánh giá rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong việc chậm giải ngân vốn để có kiến nghị xử lý phù hợp, hiệu quả.
Đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán, tăng cường kiểm toán chuyên đề chuyên sâu về công tác lập, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư với phạm vi toàn Ngành, giảm thiểu kiểm toán đối với từng dự án cụ thể để có cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá đầy đủ hơn căn nguyên của việc chậm giải ngân vốn; trên cơ sở đó kịp thời tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục hiệu quả trong quá trình xây dựng, quyết định chính sách ĐTC.
Cần bố trí nhân sự, thời gian hợp lý để tập trung đi sâu phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế, xã hội trong sử dụng nguồn vốn ĐTC, tác hại của việc chậm giải ngân nguồn vốn này đối với xã hội, kinh tế, từ đó đưa ra những thông tin tin cậy, thích hợp, kịp thời và có chất lượng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về công tác quản lý, điều hành chi đầu tư của Nhà nước.
Tăng cường công khai kết quả kiểm toán để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quản lý; giúp các đơn vị nhận thức và quan tâm hơn đến việc đề phòng, ngăn ngừa, hạn chế những thiệt hại do lãng phí nguồn lực, nhất là nguồn lực ĐTC gây nên. Ngoài ra, công khai kết quả kiểm toán cũng đồng nghĩa với việc chỉ rõ các Bộ, ngành, địa phương quản lý yếu kém, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Điều này tác động mạnh mẽ, tạo dư luận xã hội rộng rãi đến đông đảo công chúng để cùng tham gia quá trình giám sát hoạt động của các đơn vị trong quản lý, sử dụng vốn ĐTC, góp phần tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân nguồn vốn này.
Hoạt động kiểm toán chi đầu tư là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, ban, ngành, do đó khó tránh khỏi những sai phạm. Vì vậy, vấn đề kiểm tra, kiểm soát rủi ro kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp kiểm toán viên cần được quan tâm; xử lý nghiêm khắc các trường hợp kiểm toán viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh việc tự kiểm soát theo chức trách, nhiệm vụ của kiểm toán trưởng, trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán, hoạt động kiểm toán cần thiết phải có sự thanh tra của Thanh tra KTNN hoặc sự tham gia kiểm soát trực tiếp của Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán ngay từ khâu xây dựng kế hoạch kiểm toán chi tiết của tổ kiểm toán đến khâu tổ chức thực hiện.
Lược ghi tham luận của TS. HOÀNG VĂN LƯƠNG
Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN