Tăng cường kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:35, 29/10/2020

(BKTO) - ​Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán



Ông Mai Xuân Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

♦ Thưa ông, Thanh Hóa là 11/63 địa phương đạt tốc độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) cao nhất cả nước trong 8 tháng năm 2020. Xin ông chia sẻ kinh nghiệm của địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ này?

- Đến hết tháng 8/2020, giải ngân vốn ĐTC của tỉnh Thanh Hóa đạt 66,4% kế hoạch vốn, xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân. Thực tế triển khai công tác này tại địa phương cho thấy, khi dự án đã có đủ nguồn vốn, được phê duyệt, yếu tố duy nhất và quan trọng nhất để dự án không bị chậm tiến độ là bàn giao mặt bằng đúng tiến độ.

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) đòi hỏi chính quyền, cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, hệ thống đoàn thể chính trị tại cơ sở đều phải vào cuộc. Ở Thanh Hóa, Bí thư Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu bí thư huyện, thị, thành phố phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về công tác GPMB.

Khi thực hiện GPMB, điều quan trọng nhất là phải công khai đầy đủ các chính sách, chế độ, trong đó có chính sách đặc thù của địa phương để người dân đồng thuận, tránh tình trạng người dân không hiểu rõ hoặc đòi hỏi cao hơn so với quy định. Việc giải quyết từng trường hợp cụ thể có thể dẫn đến một bộ phận người dân có tư tưởng càng bàn giao chậm, càng đòi hỏi thì sẽ được lợi ích cao, người gương mẫu thực hiện trước sẽ thiệt thòi. Điều quan trọng nữa là phải quản lý đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện GPMB. Khi người dân thấy Nhà nước thực hiện chính sách công khai, bình đẳng thì họ sẵn sàng chia sẻ khó khăn với địa phương.

♦ Ông đánh giá như thế nào về vai trò của KTNN đối với việc giải ngân vốn ĐTC?

- Thực tiễn hoạt động kiểm toán nhà nước cho thấy, KTNN đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả giải ngân vốn ĐTC. Kết quả kiểm toán của KTNN là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp xem xét, bố trí cho những chương trình, dự án có tiến độ thực hiện nhanh, đảm bảo điều kiện theo quy định. Đây là cơ sở để kế hoạch vốn ĐTC hằng năm giải ngân nhanh, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Qua kiểm toán, KTNN chỉ ra những hạn chế, bất cập trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư. Từ đó, các đơn vị được kiểm toán sẽ rút kinh nghiệm trong việc thực hiện, rút ngắn thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục và vẫn đảm bảo quy định. Căn cứ kết quả kiểm toán chi tiết từng dự án, KTNN chỉ ra sự chồng chéo, bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tế, qua đó giúp Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét, tháo gỡ khó khăn cho địa phương.

Kết luận của KTNN là cơ sở để HĐND các cấp giám sát, theo dõi chương trình, dự án, đơn vị được kiểm toán và đôn đốc, đánh giá việc thực hiện kết luận, góp phần giải quyết và khắc phục hạn chế, sai phạm, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Đây còn là cơ sở quan trọng để các Bộ, ngành, địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, hoàn thiện bộ máy và lựa chọn những đơn vị đáp ứng được yêu cầu thực hiện dự án theo quy định.

♦ Từ thực tế trên, ông có đề xuất gì đối với KTNN để góp phần nâng cao hiệu quả ĐTC?

- Trước hết, KTNN cần ưu tiên kiểm toán một số chuyên đề có phạm vi rộng và các chương trình, dự án thuộc lĩnh vực an sinh xã hội, phát triển kinh tế vùng, quản lý tài nguyên, khoáng sản và một số chuyên đề về quản lý thu ngân sách, quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhằm đánh giá toàn diện công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn vốn ĐTC.

Đồng thời, tăng cường công khai hơn nữa kết quả kiểm toán và nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để đông đảo nhân dân được biết và cùng tham gia giám sát hoạt động của các đơn vị sử dụng NSNN, góp phần đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN. Đặc biệt, trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, hoạt động giám sát của người dân rất quan trọng, khi công khai kết quả kiểm toán, người dân cũng nhìn nhận rõ trách nhiệm giám sát của cơ quan nhà nước đối với các công trình tại địa phương.

KTNN cần tiếp tục chú trọng phân tích, làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân dẫn đến sai phạm trong từng khâu của quá trình thực hiện dự án, qua đó kiến nghị xử lý triệt để và hiệu quả. KTNN nên tổng hợp những sai phạm đặc trưng của từng lĩnh vực mà nhiều địa phương thường mắc phải để thông báo cho các địa phương biết, từ đó, chính quyền sẽ chỉ đạo các ban quản lý, chủ đầu tư tránh sai phạm thường xuyên, nếu tiếp tục lặp lại có thể quy là cố tình vi phạm.

Ngoài kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ, KTNN cần chuyển trọng tâm sang kiểm toán hoạt động; tăng cường kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư, tập trung phân tích tính đúng đắn của chủ trương đầu tư, sự phù hợp của hồ sơ thiết kế để kiến nghị xử lý phù hợp nhằm ngăn chặn những sai sót trước khi quyết định đầu tư, trong quá trình thi công và tránh lãng phí nguồn lực.

Cùng với đó, tăng cường hậu kiểm, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; ban hành hoặc đề nghị ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

♦ Như ông đề nghị, KTNN cần tăng cường kiểm toán trước đối với các dự án đầu tư. Ông có thể lý giải cụ thể hơn về điều này?

- Quá trình thực hiện dự án gồm một chuỗi từ khâu chuẩn bị, đến thực hiện và kết thúc. Lâu nay, KTNN thường kiểm toán từ khi thực hiện đầu tư, chỉ ra những bất cập, sai sót trong quá trình thực hiện nhưng đó là những việc đã xảy ra.

Nếu KTNN kiểm toán từ bước chuẩn bị đầu tư đối với dự án nhóm A, B, đồng thời chia sẻ những bất cập trong quá trình chuẩn bị đầu tư mà các dự án tương tự ở các địa phương khác mắc phải thì điều này sẽ giúp đơn vị tránh được nhiều sai sót.

Có ý kiến lo ngại việc kiểm toán trước có thể làm ảnh hưởng tới tiến độ triển khai dự án. Tôi không cho rằng như vậy, bởi lẽ, việc kiểm toán trước sẽ diễn ra đồng thời với quá trình chuẩn bị đầu tư. Điều đó sẽ rất thuận lợi cho đơn vị được kiểm toán. KTNN chỉ ra cái sai càng sớm thì địa phương càng có cơ hội khắc phục sớm. Bất cứ giai đoạn nào trong quá trình thực hiện dự án được kiểm toán, tôi đều cảm thấy yên tâm.

♦Xin trân trọng cảm ơn ông!
THU HƯỜNG (thực hiện)