Xây dựng cơ chế phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:55, 29/10/2020

(BKTO) - Đến ngày 31/8/2020, tỷ lệ giao kế hoạch vốn ngân sách T.Ư của tỉnh Nghệ An đạt 97,63%; vốn ngân sách địa phương quản lý giải ngân đạt 7.887,234 tỷ đồng, đạt 63,82%. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, Nghệ An là một trong số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.



Việc giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm. Ảnh tư liệu

Vì sao Nghệ An đạt tỷ lệ giải ngân cao?

Có được kết quả nêu trên, tỉnh Nghệ An đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành nhằm quán triệt và tổ chức triển khai kịp thời, sớm ban hành các văn bản cụ thể hóa để chỉ đạo thực hiện; giao vốn ngay khi có quyết định giao vốn của T.Ư và HĐND tỉnh, từ khâu xây dựng kế hoạch vốn, địa phương đã chủ động xây dựng và giao kế hoạch vốn phù hợp với tiến độ thực tế; đề xuất HĐND tỉnh họp phiên bất thường để thông qua chủ trương đầu tư dự án cấp bách.

Cùng với đó, chính quyền địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường chỉ đạo các chủ đầu tư đôn đốc các nhà thầu thi công. Hằng quý, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và thông báo tỷ lệ giải ngân đến từng giám đốc sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã để đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.

Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các dự án mới sử dụng nguồn dự phòng ngân sách T.Ư cũng được tập trung chỉ đạo kịp thời. UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để đôn đốc tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công (ĐTC) ngay từ đầu năm; phân công cụ thể lãnh đạo theo dõi các dự án, công trình trọng điểm, chỉ đạo thường xuyên, đảm bảo tiến độ được giao.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức làm việc với từng ngành và 21 huyện, thành phố, thị xã để rà soát tiến độ giải ngân từng dự án, đốc thúc và kiến nghị đề xuất điều chỉnh, điều chuyển theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Kiểm toán góp phần đẩy nhanh thủ tụcgiải ngân, quyết toán vốn đầu tư

Trong bối cảnh cả nước thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về giải ngân nguồn vốn ĐTC năm 2020, hoạt động kiểm toán nhà nước có ý nghĩa quan trọng đối với việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ĐTC, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nói chung và vốn ĐTC nói riêng. Điều này được thể hiện trên nhiều mặt.

Thứ nhất, hoạt động kiểm toán góp phần cung cấp thông tin xác thực, toàn diện về tình hình quản lý tài chính và điều hành ngân sách của địa phương, giúp địa phương kịp thời quán triệt và có biện pháp chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành NSNN và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An.

Thứ hai, ngoài việc phát hiện sớm các hành vi vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng ngân sách và kiến nghị xử lý thu hồi vốn, tài sản về NSNN, kết luận và kiến nghị của KTNN đối với từng nội dung cụ thể đã giúp các đơn vị được kiểm toán rút kinh nghiệm, có biện pháp khắc phục, sử dụng vốn ngân sách đúng mục đích, đúng quy định; ngăn ngừa tiêu cực, lãng phí, thất thoát tiền, tài sản; góp phần làm cho nguồn lực NSNN được sử dụng có hiệu quả.

Thứ ba, đối với công tác giải ngân vốn ĐTC, hoạt động kiểm toán đã giúp các chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đúng quy định, qua đó góp phần đẩy nhanh thủ tục giải ngân, quyết toán vốn đầu tư.

Thứ tư, qua kiểm toán, KTNN đã xác định những bất cập trong chính sách pháp luật đối với công tác lập, phân bổ, giao kế hoạch, quản lý và sử dụng vốn ĐTC, từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan phục vụ công tác quản lý.

Năm 2020, KTNN đã chủ động, sớm xây dựng kế hoạch kiểm toán, khảo sát kỹ thông tin phục vụ công tác kiểm toán theo kế hoạch. Do đó, việc kiểm toán tại Nghệ An được triển khai tương đối thuận lợi và rút ngắn thời gian, tạo điều kiện để các đơn vị sớm hoàn thiện hồ sơ thủ tục giải ngân vốn ĐTC trong những tháng cuối năm.

Để phát huy hơn nữa vai trò của KTNN, giúp các địa phương nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ĐTC, thời gian tới, KTNN cần tăng cường phối hợp với các địa phương và các đơn vị được kiểm toán trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán và thu thập thông tin để hình thành cơ sở dữ liệu, từ đó áp dụng các phương pháp kiểm toán và bố trí lực lượng kiểm toán thích hợp; nghiên cứu cách thức, giải pháp phối hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn quy trình và thời gian kiểm toán tại các địa phương. Đồng thời, nghiên cứu cơ chế phối hợp để KTNN tham gia cùng địa phương trong công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, quy định về quản lý và sử dụng vốn ĐTC tại địa phương. Bên cạnh đó, KTNN có thể tổng hợp những bất cập, nhóm vấn đề vướng mắc, vi phạm thường gặp, những sai sót trong công tác lập, thẩm định và trong quá trình thi công, các nội dung cần tập trung thực hiện nhằm phổ biến cho các đơn vị, địa phương rút kinh nghiệm kịp thời để quản lý và thực hiện đúng quy định.
Lược ghi tham luận của
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An LÊ HỒNG VINH