Ứng dụng công nghệ, liên kết để phát triển kinh tế hợp tác

Kinh tế - Ngày đăng : 15:10, 29/10/2020

(BKTO) - Từ những nền tảng đã đạt được trong giai đoạn 2011-2020, Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, thực sự là thành phần quan trọng trong nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác dựa trên bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể… Tuy nhiên, thách thức đặt ra đối với các HTX là rất lớn.



Các HTX cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: P.Tuân

Kinh tế hợp tác xãkhông ngừng phát triển

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đến nay, cả nước có 26.112 HTX, trong đó có 17.462 HTX nông nghiệp và 8.650 HTX phi nông nghiệp. So với năm 2011, số lượng HTX đã tăng khoảng 40%. Trong giai đoạn 2011-2020, số lượng HTX tăng với tốc độ tăng bình quân 3,83%/năm, số lượng thành lập mới là 16.190 HTX, giải thể khoảng 8.328 HTX. Từ năm 2013 trở lại đây (Luật HTX năm 2012 có hiệu lực), số lượng HTX thành lập mới tiếp tục tăng nhanh, từ 491 HTX thành lập mới năm 2011 lên 1.159 HTX thành lập mới vào năm 2013 và đến năm 2020, số HTX thành lập mới ước khoảng 2.175 HTX, tăng gấp 4,3 lần so với năm 2011.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá, số lượng HTX tăng mạnh trong giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, ban hành nhiều quyết sách quan trọng nhằm phát triển kinh tế tập thể, HTX. Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác, HTX đã chỉ đạo quyết liệt tới các địa phương, đặc biệt là chỉ đạo của Bộ Chính trị và sự quan tâm vào cuộc triển khai đồng bộ, hiệu quả Luật HTX năm 2012 của các cấp, các ngành.

Ghi nhận sự đóng góp của kinh tế tập thể, HTX, Bộ KH&ĐT ước tính, doanh thu bình quân của một HTX năm 2020 đạt trên 4,38 tỷ đồng, tăng 116% so với năm 2011, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2020 đạt 8,92%/năm. Trong đó, doanh thu bình quân của các HTX cũng tăng từ 1,28 tỷ đồng năm 2011 lên gần 2,61 tỷ đồng năm 2020 (tăng khoảng 104%). Bên cạnh đó, lãi bình quân của một HTX tăng từ 156 triệu đồng lên 314 triệu đồng (101%); thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX tăng từ 20 triệu đồng lên 51 triệu đồng (160%). Thông qua HTX, đời sống của thành viên và lao động trong HTX được tăng lên đáng kể, từng bước cải thiện kinh tế hộ thành viên, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại cộng đồng.

Mặc dù khó khăn nhưng hiệu quả hoạt động của các HTX những năm gần đây ngày càng ổn định và có xu hướng phát triển. Theo báo cáo của các địa phương, tổng vốn hoạt động của HTX năm 2020 ước đạt 113.843 tỷ đồng, tăng khoảng 59.000 tỷ đồng so với năm 2011; tổng giá trị tài sản ước đạt 55.777 tỷ đồng, tăng 25.500 tỷ đồng so với năm 2011. Tuy số lượng HTX tăng lên nhưng số lượng thành viên HTX lại giảm. Đến thời điểm này, các tổ chức HTX đang thu hút khoảng 6,1 triệu thành viên, giảm gần 2 triệu thành viên so với năm 2011. Nguyên nhân là do sau khi Luật HTX năm 2012 được ban hành và có hiệu lực, các HTX đã tự điều chỉnh, chuyển đổi, sắp xếp lại để hoạt động cho phù hợp, hiệu quả hơn.

Tiếp tục đổi mới, nâng caohiệu quả kinh tế tập thể

Bộ KH&ĐT đánh giá, nhìn chung, kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, giúp phát triển kinh tế hộ thành viên và kinh tế cá thể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đóng góp của khu vực HTX vào GDP của cả nước trung bình khoảng 3,9%/năm. Đóng góp của khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình chiếm trên 30% GDP cả nước. Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế, khu vực kinh tế tập thể, HTX còn có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an sinh, xã hội tại cộng đồng. Mô hình HTX tác động đến kinh tế thành viên thông qua tạo việc làm, giảm chi phí, tăng giá bán, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo…

Phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX vẫn luôn là một chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước. Kết luận của Bộ Chính trị ngày 09/3/2020 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã nêu rõ: “Khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”. Do đó, việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trên các ngành nghề, lĩnh vực, mở rộng quy mô thành viên, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Theo mục tiêu Dự thảo Chiến lược đề ra, đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, 45.000 HTX, 340 Liên hiệp HTX, với 2 triệu thành viên tổ hợp tác, 8 triệu thành viên HTX, 1.700 HTX thành viên của Liên hiệp HTX. Số HTX hoạt động hiệu quả đạt 70% trên tổng số HTX của cả nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, các HTX cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp để phấn đấu đến năm 2030 cả nước có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đồng thời tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị giữa DN và HTX, phấn đấu có khoảng 50% HTX nông nghiệp liên kết với DN theo chuỗi giá trị.

Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ KH&ĐT, khu vực kinh tế tập thể, HTX sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, dễ bị ảnh hưởng của tác động bên ngoài, không đủ năng lực thích ứng với tình hình mới và bị tụt hậu ngày càng xa hơn về công nghệ… Bởi sự phát triển không ngừng của đời sống, sản xuất, tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa mạnh mẽ và yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm an toàn, chất lượng, an ninh lương thực… sẽ tạo ra sân chơi mới cho các HTX, thế nhưng khu vực kinh tế tập thể, HTX phải đối mặt và giải quyết có hiệu quả vấn đề về chất lượng và cạnh tranh.

QUỲNH ANH