Thủ tướng: Chấm dứt tình trạng sợ trách nhiệm trong giải ngân vốn ODA

Đối nội - Ngày đăng : 14:45, 29/10/2020

(BKTO) - Trên tinh thần phải giải quyết được các điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân vốn ODA, Thủ tướng chỉ đạo phải giải quyết theo thẩm quyền, trên cơ sở pháp luật; không “đá quả bóng” từ địa phương lên TW.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết ông đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường tìm kiếm người mất tích sau sự cố lở núi tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) và tại vùng biển tỉnh Khánh Hòa, Bình Định với tinh thần khẩn trương nhất.

Tăng cường tìm kiếm người mất tích

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân các tỉnh miền Trung do "bão chồng bão, lũ chồng lũ" gây ra. Thiệt hại mưa lũ chưa khắc phục xong thì cơn bão số 9 tiếp tục gây thiệt hại lớn. Bão khiến gần chục người thiệt mạng, tai nạn trên biển khiến 26 người mất tích chưa tìm thấy.

Thủ tướng cho biết ngay sáng 29/10, Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng hải quân, không quân tiếp tục tìm kiếm người mất tích trên vùng biển Khánh Hòa và Bình Định với tinh thần khẩn trương nhất.

Mặc dù bão số 9 đã hạ cấp khi vào bờ nhưng do bão duy trì lâu trong đất liền nên thiệt hại về nhà cửa, tài sản, cơ sở vật chất là rất lớn.

Đặc biệt nghiêm trọng là khoảng 20 giờ ngày 28/10, tại xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) xảy ra vụ sạt lở núi vùi lấp hơn 50 người.

Ngay đêm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các lực lượng chức năng bằng mọi phương tiện, biện pháp nhanh chóng cứu hộ, cứu nạn.

Cũng ngay trong đêm 28/10, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp với lãnh đạo Quảng Nam và các cơ quan chức năng để chỉ đạo các biện pháp cần thiết, kịp thời.

Không “đá quả bóng” từ địa phương lên Trung ương

Kể từ giữa tháng Bảy đến nay, đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc lần thứ ba do Thủ tướng Chính phủ chủ trì để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tổng vốn vay nước ngoài của năm 2020 vào khoảng 60.000 tỷ đồng, trong đó vốn phân bổ cho các địa phương khoảng gần 40.000 tỷ đồng nhưng đến nay mới giải ngân được khoảng 30% tổng vốn.

Về nội dung hội nghị giải ngân vốn ODA và vốn vay nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ đây là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, không thể không coi trọng. Tuy vậy, nguồn vốn này giải ngân rất chậm. Chỉ còn hai tháng nữa là hết năm, trong khi vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giải ngân đạt cao nhất từ trước đến nay là hơn 60% thì việc giải ngân vốn ODA chưa tới 30%.

Nêu lên thực tế đó, Thủ tướng yêu cầu các địa phương, bộ ngành phải trả lời được câu hỏi vì sao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục đôn đốc nhưng các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn ODA vẫn chậm.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân đầu tiên mà nhiều địa phương gặp phải là giải phóng mặt bằng chậm. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm của các địa phương.

Tiếp đó là việc nhiều địa phương khi đề nghị vay vốn ODA đã không chuẩn bị vốn đối ứng phù hợp, dẫn đến khi triển khai thiếu vốn và nhà tài trợ không chấp thuận giải ngân.

Ngoài ra, việc giải quyết các thủ tục để triển khai dự án rất chậm trễ và có tình trạng chủ đầu tư gặp phải những nhà thầu kém năng lực, dẫn đến lúng túng và không có kinh nghiệm trong tổ chức thi công.

Trên tinh thần phải giải quyết được các điểm nghẽn để thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay nước ngoài ngay trong 2 tháng cuối năm 2020, Thủ tướng chỉ đạo phải giải quyết theo thẩm quyền, trên cơ sở pháp luật; không “đá quả bóng” từ địa phương lên Trung ương. Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng để điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí năm tài chính 2021-2022 sẽ không được bố trí vốn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng cũng ghi nhận nhiều địa phương như Cần Thơ, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Đà Nẵng đã nỗ lực giải ngân vốn ODA nhiều hơn trong năm 2020 trong bối cảnh gặp rất nhiều khó khăn cần giải quyết.

Yêu cầu lãnh đạo các địa phương cần "vào cuộc quyết liệt" trong giải ngân vốn ODA, Thủ tướng cũng đòi hỏi phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các chủ đầu tư, chủ dự án; khắc phục tình trạng phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bộ, ngành với địa phương trong thực thi nhiệm vụ này.

Nhiệm vụ chính trị trọng tâm

Thủ tướng nhấn mạnh ODA là nguồn lực quan trọng phát triển đất nước trong bối cảnh trần nợ công còn thấp; cần nhiều nguồn lực phát triển đất nước. Từng bộ, ngành, địa phương phải chủ động trong triển khai, coi đây là nguồn lực quan trọng. Các bộ, ngành phải tiếp tục hoàn chỉnh khung pháp lý, làm rõ lộ trình, cách làm theo hướng thuận lợi, bài bản và thống nhất hơn, từ đó lập kế hoạch ODA trung hạn 5 năm tới một cách hiệu quả hơn.

Để thúc đẩy giải ngân vốn ODA 2 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, liên tục; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết các tồn tại, bất cập.

"Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2020 để nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ ở vị trí thực thi chính sách; chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ; quan liêu, nhũng nhiễu," Thủ tướng chỉ đạo.

[Giải ngân vốn ODA địa phương: Đẩy nhanh tiến độ để giảm dư nợ tạm ứng]

Đi liền với đó là phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án để trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn; tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc.

"Cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không có trách nhiệm," Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc bố trí đủ nguồn vốn đối ứng các chương trình, dự án ODA; tìm các nguồn hợp pháp để cân đối, kể cả nguồn thu từ đất đai để giải ngân vốn ODA, thậm chí cần thiết có thể vay tạm ứng.

Đặc biệt, Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện nghiêm việc điều chuyển vốn theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, tránh tình trạng trả lại vốn của dự án. Các cơ quan chủ quản cần khẩn trương rà soát, đôn đốc chủ đầu tư các cơ quan liên quan để giải quyết hồ sơ thanh toán khối lượng vốn còn tồn đọng, không dồn vào cuối năm bởi đây là kênh tăng trưởng quan trọng. Sau cuộc họp này, từng tỉnh, từng thành phố, từng bộ họp rà soát trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn từng dự án.

Thủ tướng cũng cho biết sẽ có văn bản giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thay đổi mạnh mẽ các thủ tục liên quan nhằm đơn giản hơn các thủ tục phê duyệt và điều chỉnh dự án. Đặc biệt, Bộ Tài chính cần đơn giản hóa quy trình kiểm soát chi, hồ sơ yêu cầu rút vốn, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn và thủ tục rút vốn từ nhà tài trợ.

Thủ tướng nhắc lại rằng yêu cầu quan trọng là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp phải quan tâm hơn nữa trong chỉ đạo, không chấp nhận tình trạng "có vốn, có tiền mà không tiêu được, không phát triển được."./.

Theovietnamplus.vn