Thu hút đầu tư cho giáo dục chưa xứng với tiềm năng

Xã hội - Ngày đăng : 08:15, 30/10/2020

(BKTO) - Hành lang pháp lý trong đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam thời gian qua đã không ngừng được cải thiện. Gần đây nhất, việc ban hành Luật Giáo dục 2019; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, cùng các nghị định quy định về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục... là lợi thế để Việt Nam thúc đẩy, huy động nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.



Cần đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục Ảnh: P.Tuân

Tỷ lệ các trường có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam rất thấp

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác giáo dục với trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời là thành viên tích cực của các tổ chức giáo dục quốc tế. Đến hết năm 2019, Việt Nam đã có 525 dự án hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục còn hiệu lực với tổng số vốn đầu tư lên tới gần 4,4 tỷ USD, tăng 321 dự án so với 5 năm trước. Số vốn đăng ký đầu tư cũng tăng trên 3,5 tỷ USD. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có 5 cơ sở giáo dục đại học và gần 100 cơ sở giáo dục ở các bậc học mầm non, phổ thông có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 450 chương trình đào tạo quốc tế được giảng dạy tại 70 cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT ghi nhận, thời gian qua, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa tạo sự đột phá trong toàn hệ thống. Hoạt động hợp tác và đầu tư trong giáo dục còn đơn lẻ, chiếm tỷ lệ nhỏ so với các ngành kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) Phạm Quang Hưng cho biết, tiềm lực kinh tế từ giáo dục của Việt Nam còn rất lớn. Theo đó, Việt Nam đang có khoảng 192.000 học sinh, sinh viên đang học tập tại nước ngoài, điều này cho thấy phụ huynh ở Việt Nam đang có nguồn kinh tế ổn định, họ sẵn sàng đầu tư tiền của để con học ở môi trường giáo dục có chất lượng. "Nếu như chúng ta thu hút được một phần số lượng học sinh, sinh viên này học tập ngay tại Việt Nam thì rất tốt, không bị chảy nguồn tiền ra nước ngoài” - ông Hưng nói. Đặc biệt, ở Việt Nam có hơn 23 triệu học sinh, sinh viên thể hiện nhu cầu có các chương trình giáo dục quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ các trường có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam rất thấp, bậc mầm non chỉ chiếm 0,39%, bậc phổ thông chiếm 0,15% và đại học cao nhất với 2,11%.

Cần tận dụng lợi thế vềcông nghệ hiện đại

Thời gian qua, Việt Nam đã ban hành rất nhiều chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quy định chặt chẽ trong hợp tác, đầu tư. Đó là Luật Giáo dục 2019, các nghị định quy định của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư như: Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục… Ông Phạm Quang Hưng khẳng định, khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư sẽ có cơ hội đầu tư lớn với chính sách rõ ràng, quy định chặt chẽ.

Để đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, ông Hưng cho rằng, chính quyền địa phương cần hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đơn giản thủ tục hành chính, giao đất sạch cho giáo dục và lập danh mục đầu tư rõ ràng. Trong khi đó, các trường đại học cần phải nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu; chuyển giao - công nhận tín chỉ; các chương trình liên kết đào tạo thực hiện với đối tác chất lượng cao và tích cực nâng cao thứ hạng thế giới. Còn các trường học cần thúc đẩy hợp tác quốc tế, cung cấp chương trình giáo dục chất lượng cao.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Văn Lang Nguyễn Cao Trí cho hay, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến nhiều lĩnh vực trong xã hội, bao gồm cả lĩnh vực GD&ĐT, đồng thời cũng tạo nhiều thách thức to lớn, đòi hỏi con người phải thay đổi để thích nghi, đáp ứng các yêu cầu về trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp. Nhận thức sâu sắc về tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hoạt động giáo dục ở Việt Nam hiện nay, ông Trí đề xuất, cần tạo điều kiện tối đa cho các trường đại học thực hiện mô hình thí điểm các giải pháp đột phá về ứng dụng công nghệ trong giáo dục; linh động thay đổi khung thời gian và đổi mới phương pháp đào tạo. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác công - tư để có thể tối ưu hóa nguồn lực xã hội, chuyển từ cạnh tranh thành hợp tác cùng phát triển.

Cùng quan điểm, Giám đốc Học thuật và Phát triển đối tác tại Nisai Vietnam Dương Thị Mỹ Linh cho rằng, phải tận dụng lợi thế về công nghệ hiện đại, học sinh đến từ khắp nơi trên thế giới đều có cơ hội giao lưu và học trực tuyến tương tác theo thời gian thực với đội ngũ giáo viên nước ngoài. Đơn cử như chương trình Cambridge IGCSE hiện nay được giảng dạy trên 140 quốc gia và tại hơn 3.700 trường, trong đó có 1.300 trường tại Vương quốc Anh. Mô hình du học trực tuyến này tạo điều kiện để học sinh dễ dàng được tiếp cận với nền giáo dục ưu việt của Vương quốc Anh mà không bị ảnh hưởng bởi khoảng cách địa lý, vùng miền, hay điều kiện thể chất lẫn tinh thần.

LÊ HÒA