Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách... Nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế
Đối nội - Ngày đăng : 15:45, 02/11/2020
(BKTO) - Tiếp tục chương trình làm việc sáng 2.11, Quốc hội đã tiến hành phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021 (trong đó có thảo luận một số nội dung liên quan các vấn đề về an ninh nguồn nước, quản lý an toàn hồ, đập và phát triển điện lực; báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng); kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Dự kiến mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; chương trình mục tiêu quốc...
Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Các ĐBQH chia sẻ và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để thực hiện mục tiêu "kép" vừa phòng, chống đại dịch Covid - 19 vừa nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hầu hết các nước đều tăng trưởng âm thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 2-3%. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận. Các ĐBQH cho rằng, đạt được kết quả này là do sự chỉ đạo sát sao của Đảng, nỗ lực vào cuộc của Quốc hội, Chính phủ, các địa phương và nhân dân cả nước. Theo ĐBQH Võ Trọng Kim (Hải Dương), niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội không ngừng được củng cố, nâng cao và có niềm tin là có thắng lợi.
Họp tổ Cần Thơ, Hà Nam, Bình Phước, Bến Tre |
Đối với năm 2021 và giai đoạn 2021 - 2025, nhiều ĐBQH thống nhất với những mục tiêu, giải pháp Chính phủ đã đề ra. Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng là khá cao so với tình hình thế giới nói chung và trong nước nói riêng. Cùng quan điểm này, ĐBQH Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chỉ rõ, thời gian qua, vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế chưa đạt, chất lượng dự báo làm chưa tốt; việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh còn chậm, chưa căn cơ và chưa hiệu quả; việc triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid - 19 gây ra còn chậm... Các ý kiến này cũng khẳng định, qua đại dịch càng cho thấy, nông nghiệp vẫn là bệ đỡ của nền kinh tế khi đất nước gặp khó khăn.
Đưa ra các giải pháp cho Chính phủ, ĐB Phạm Xuân Thăng đề nghị, thời gian tới Chính phủ cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong thời đại công nghệ 4.0 để nâng cao hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp trong nước...
Cần đánh giá nguồn lực xã hội trong giảm nghèo
Về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) cho rằng, trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là tỷ lệ giảm nghèo đạt được tương đối cao.
Họp tổ Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Kiên Giang |
Tuy nhiên, ĐB Lê Thị Nguyệt cũng chỉ rõ, Chính phủ chưa đánh giá được tình trạng tái nghèo và chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này ở đâu; chưa đánh giá được nguồn lực huy động từ cộng đồng và xã hội tham gia thực hiện công cuộc giảm nghèo. Lấy ví dụ như đợt bão lũ ở miền Trung vừa qua, xã hội và cộng đồng đã đóng góp rất nhiều cho công tác cứu trợ nhân dân vùng lũ, ĐB Lê Thị Nguyệt đề nghị, Chính phủ cần có tổng kết, đồng thời sớm ban hành chuẩn nghèo 2016 – 2020; nghiên cứu đánh giá về các đối tượng nghèo để có chính sách hỗ trợ kịp thời, trên cơ sở đó, đưa ra được những giải pháp hợp lý hơn cho giai đoạn tới.
ĐBQH Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) |
Tăng cường công tác giám sát
Về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, đa số ĐBQH nhất trí chủ trương như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bởi đây là những khu vực thường xuyên bị hạn hán. Việc hoàn thành xây dựng các dự án này sẽ góp phần điều tiết nước, cắt giảm lũ, phòng chống thiên tai; từng bước giải quyết nhu cầu thiếu nước và khép kín hệ thống công trình thủy lợi.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) |
Để bảo đảm hiệu quả của các dự án này, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề nghị, Quốc hội tiếp tục quan tâm cân đối nguồn vốn thực hiện bởi thiếu nguồn lực sẽ rất khó để đưa các dự án vào hoạt động. Cùng với đó, đại biểu cũng đề nghị Quốc hội cần tăng cường công tác giám sát, đôn đốc để bảo đảm các công trình phát huy hiệu quả cao nhất.
Theo daibieunhandan.vn