Nợ xấu sẽ ra sao khi Thông tư 01 hết hiệu lực?

Đối nội - Ngày đăng : 08:25, 06/11/2020

(BKTO) - Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2020 của 16 ngân hàng mới đây cho thấy, nợ xấu nội bảng cuối tháng 9 ở mức hơn 49.600 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm, tương đương tăng 31%. Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tăng mạnh khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) hết hiệu lực. Để có thể ứng phó với tình trạng này, ngành ngân hàng cần chuẩn bị những gì?



Khi Thông tư 01 hết hiệu lực mà DN vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng mạnh. Ảnh tư liệu

Nợ xấu có thể sẽ tăng nếu dừng cho phép cơ cấu lại nợ

Thông tư 01 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành vào ngày 13/3/2020 quy định về việc các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Việc ban hành Thông tư đã tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi để các TCTD có thể chủ động trong việc xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng trên nguyên tắc đảm bảo đúng đối tượng, tránh việc lợi dụng chính sách, góp phần tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Tính đến giữa tháng 9/2020, các TCTD đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng.

Với những điều khoản cụ thể, rõ ràng, Thông tư 01 cho phép ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc “khoanh nợ”, giữ nguyên nhóm nợ đối với những tài sản, khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Như vậy, nợ xấu của các nhóm được tạm giữ nguyên thay vì có nguy cơ “nhảy nhóm”. Theo thống kê của NHNN, khoảng 2,2% tổng dư nợ toàn ngành ngân hàng được tái cấu trúc theo Thông tư 01 tính đến nửa đầu năm nay. Việc này là cần thiết đối với công tác xử lý nợ xấu trong bối cảnh dịch bệnh - các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng Việt (MBKE) nhận định. Tuy vậy, điều mà các chuyên gia MBKE quan ngại là những khoản vay bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có thể sẽ chuyển thành nợ xấu trong tương lai.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính - ngân hàng - cũng nhận định, lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn. Do đó, khi Thông tư 01 hết hiệu lực mà DN vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng mạnh. Đây sẽ là thách thức đối với những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng đầy đủ.

Nhìn nhận dịch Covid-19 tác động lớn đến hoạt động của ngành ngân hàng, nhất là công tác xử lý nợ xấu, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - dự báo, cuối năm nay, nợ xấu nội bảng sẽ tăng lên đến 3% và trong năm 2021 sẽ tăng lên 4%. Thậm chí, theo ước tính của Trung tâm Phân tích chứng khoán SSI (SII Research), nợ xấu sẽ tăng 17% vào cuối năm 2020 và 14% vào năm 2021. Các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sẽ đặt ra những thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) sẽ giảm từ 40 đến 80 điểm cơ bản.

Cần sự vào cuộc từ cả ngân hàng và cơ quan quản lý

Để có thể ứng phó với tình hình nợ xấu gia tăng trong tương lai, bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, SSI Research - cho rằng, ngân hàng cần tích cực trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu nội bảng ngay từ bây giờ. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng khuyến nghị: “Dù Thông tư 01 cho phép nhà băng không phải chuyển nhóm nợ và trích lập dự phòng song các ngân hàng nên tự chuẩn bị dự phòng”.

Một trong những vấn đề được TS. Cấn Văn Lực đặt ra đối với cơ quan quản lý nhà nước là việc sửa đổi các quy định liên quan đến cơ cấu lại nhóm nợ tại Thông tư 01. Theo Chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, nếu kéo dài thời gian cơ cấu lại nhóm nợ quá thì hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ thiếu tính bền vững, khó đảm bảo lâu dài, nhưng nếu để thời gian ngắn quá thì điều này sẽ gây cú sốc cho hệ thống khi nợ xấu tăng vọt. Do đó, quy định này nên kéo dài đến cuối năm 2021 khi dịch có thể đã kết thúc, tiềm lực của DN, ngân hàng đã vững hơn.

Về vấn đề này, ông Trần Đăng Phi - Phó Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát của NHNN - cho biết, NHNN đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để sớm hoàn thành việc sửa đổi Thông tư 01. NHNN đã làm việc với Bộ Tài chính và hai cơ quan thống nhất về định hướng sửa đổi. Theo đó, Thông tư 01 sẽ được sửa đổi một cách bài bản, căn cơ, đảm bảo an toàn, bền vững cho hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, các chuyên gia kiến nghị, những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD cũng cần sớm được tháo gỡ. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khi thanh lý tài sản bảo đảm, nhiều trường hợp, số tiền bán không đủ thu hồi nợ mà ngân hàng lại vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho nhà băng, lỗ chồng lỗ... Do vậy, Nhà nước nên miễn thuế cho các ngân hàng khi thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Đáng lưu ý, TS. Lê Xuân Nghĩa đề xuất, cơ quan quản lý nên nghiên cứu, sửa đổi bổ sung quy định mới về xử lý nợ xấu để đưa vào Luật Các TCTD. Khi đó, tính hiệu lực của các quy định mới cao, các đơn vị có liên quan mới thực thi nghiêm túc. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, trước mắt, NHNN có thể trình Chính phủ, Quốc hội chỉnh sửa một số nội dung then chốt tại Nghị quyết 42 nhưng về lâu dài, vấn đề này cần phải được luật hóa.
THÀNH ĐỨC