Vận dụng phương pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán hoạt động

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:05, 06/11/2020

(BKTO) - Theo xu thế của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, lĩnh vực kiểm toán hoạt động (KTHĐ) ngày càng được KTNN Việt Nam chú trọng thực hiện, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán trong tình hình mới. Bên cạnh việc đề xuất tăng cường số lượng cuộc KTHĐ hằng năm, nhiều đơn vị kiểm toán cũng đề nghị cần nghiên cứu nâng cao chất lượng, hiệu quả KTHĐ, trong đó chú trọng từ việc đổi mới, vận dụng sáng tạo các phương pháp vào hoạt động kiểm toán.



Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ kiểm toán ngày càng đóng vai trò quan trọng. Ảnh: P.Tuân

Hoàn thiện quy địnhvề phương pháp kiểm toánhoạt động

Cùng với việc không ngừng hoàn thiện các quy định liên quan đến hoạt động kiểm toán như các chuẩn mực kiểm toán, quy trình kiểm toán nói chung, KTHĐ nói riêng, những năm qua, KTNN cũng không ngừng nghiên cứu, xây dựng các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của loại hình KTHĐ. Một trong những nỗ lực đó là việc tăng cường mở rộng các phương pháp thực hiện KTHĐ.

Phương pháp KTHĐ được hiểu là hệ thống các nguyên tắc, quy tắc để chỉ đạo hoạt động nghiệp vụ của cuộc KTHĐ nhằm đạt được những mục tiêu đề ra của cuộc kiểm toán một cách hiệu quả. Các phương pháp kiểm toán có thể được chia theo hai cấp độ là các phương pháp chung (được thể hiện xuyên suốt trong quá trình thực hiện kiểm toán, đặc biệt ở khâu chuẩn bị kiểm toán) và các phương pháp - kỹ thuật nghiệp vụ kiểm toán (được ghi nhận tương đối cụ thể trong các quy trình kiểm toán thuộc Quy trình KTHĐ của KTNN ban hành kèm theo Quyết định số 07/2017/QĐ-KTNN, như: thu thập bằng chứng kiểm toán, phân tích bằng chứng kiểm toán...).

Theo đại diện Vụ Tổng hợp, từ thực tiễn hoạt động kiểm toán và trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm KTHĐ của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), hiện nay, KTNN tiếp cận kiểm toán theo mục tiêu của cuộc kiểm toán bằng 2 phương pháp.

Thứ nhất là phương pháp “định hướng kết quả” - kiểm toán viên dựa trên những kết quả hoạt động chủ yếu của đơn vị làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, nội dung kiểm toán, chương trình kiểm toán, lựa chọn các tiêu chuẩn đánh giá của KTHĐ...

Thứ hai là phương pháp “định hướng vấn đề” - kiểm toán viên sẽ dựa trên những nhận định về những hoạt động có vấn đề tại đơn vị để làm cơ sở cho việc xác định các vấn đề trên… Tính “vấn đề” được xác định là những hoạt động bất thường; những hoạt động đạt kết quả thấp so với mục tiêu kế hoạch; những hoạt động được xác định có rủi ro kiểm toán cao. Phương pháp này thường cho phép xác định, đánh giá mức độ tác động của các hoạt động, tình huống “có vấn đề” đến thực trạng hoạt động của đơn vị và làm rõ các nguyên nhân dẫn đến những “vấn đề”, thường là các sai phạm, yếu kém trong quản lý của đơn vị.

Ghi nhận những nỗ lực chung của toàn Ngành trong việc định hình phương pháp thực hiện KTHĐ, góp phần thực hiện hiệu quả loại hình kiểm toán này, song nhiều đơn vị kiểm toán cũng cho rằng, việc áp dụng các phương pháp KTHĐ thời gian qua vẫn còn một số hạn chế…

Linh hoạt trong áp dụngphương pháp kiểm toán

Các phương pháp kiểm toán (từ phương pháp chung đến các phương pháp - kỹ thuật nghiệp vụ kiểm toán) ngoài sự chi phối của mục tiêu kiểm toán, nguồn dữ liệu… còn phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất của từng cuộc KTHĐ. Việc áp dụng các phương pháp phụ thuộc rất lớn vào năng lực, sở trường của kiểm toán viên. Do đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả KTHĐ, các đơn vị chủ trì thực hiện cuộc KTHĐ cần bố trí các kiểm toán viên có năng lực, kinh nghiệm để tham gia các cuộc KTHĐ. Cần tăng cường thời gian khảo sát thu thập thông tin để nâng cao chất lượng lập kế hoạch kiểm toán (đặc biệt là việc xây dựng các nội dung, tiêu chí kiểm toán). Việc đảm bảo các yếu tố đầu vào của cuộc kiểm toán góp phần quyết định đến việc lựa chọn phương pháp phù hợp cho cuộc KTHĐ, từ đó đảm bảo cuộc kiểm toán đạt kết quả cao.

Theo đại diện KTNN khu vực IV, đối với các loại hình kiểm toán, đặc biệt là KTHĐ, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác nghiệp vụ kiểm toán ngày càng đóng vai trò quan trọng. Cần tăng cường ứng dụng rộng rãi công nghệ vào hoạt động kiểm toán, chú trọng khai thác các phần mềm ứng dụng phục vụ KTHĐ. Tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu điện tử về đối tượng kiểm toán, kết quả kiểm toán... nhằm khắc phục tình trạng thiếu cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ kiểm toán.

Trong khi đó, đại diện lãnh đạo KTNN chuyên ngành V cho rằng, trong quá trình thực hiện kiểm toán, các đoàn kiểm toán cần sáng tạo, linh hoạt trong việc sử dụng kết hợp các phương pháp KTHĐ đặc thù để thu thập được các bằng chứng kiểm toán đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau. Các trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán cần chú trọng hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các kiểm toán viên, thường xuyên tổ chức họp trao đổi về các phát hiện kiểm toán đáng lưu ý, rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện kiểm toán và kịp thời điều chỉnh thủ tục, phương pháp kiểm toán phù hợp, đảm bảo sự nhất quán trong thực hiện kiểm toán.

NGUYỄN LỘC