Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn

Đối nội - Ngày đăng : 16:26, 06/11/2020

(BKTO)- Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (6/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn để tiến hành xem xét, chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Theo chương trình kỳ họp, phiên chất vấn diễn ra trong 2 ngày rưỡi.


                
   

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên chất vấn- Ảnh: quochoi.vn

   

Đánh giá toàn diện kết quả triển khai các nghị quyết của Quốc hội

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, đây là lần thứ 2 trong nhiệm kỳ, Quốc hội tiến hành xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo đúng quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (lần thứ nhất là tại Kỳ họp thứ Sáu - kỳ họp giữa nhiệm kỳ).

Để triển khai hoạt động này, Chủ tịch Quốc hội cho biết, ngay từ rất sớm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch để các cơ quan chức năng chủ động triển khai thực hiện. Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đã tích cực chuẩn bị và gửi đến các đại biểu Quốc hội 20 báo cáo về các lĩnh vực, trong đó nêu khá chi tiết, cụ thể việc thực hiện đối với từng nội dung, lĩnh vực được nêu trong các nghị quyết của Quốc hội. Trên cơ sở đó, các cơ quan của Quốc hội đã thẩm tra, đánh giá cụ thể về các nội dung đã thực hiện. Tổng Thư ký Quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến thẩm tra về những nội dung này.

Qua các báo cáo cho thấy, về tổng thể đã nổi lên nhiều kết quả tích cực, thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, quyết tâm cao của Chính phủ, các Bộ, ngành cũng như từng thành viên Chính phủ và các trưởng ngành trong việc triển khai các yêu cầu của Quốc hội. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng những kết quả đạt được đã góp phần không nhỏ trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong Nhân dân và xã hội.

“Phiên chất vấn này là phiên cuối cùng về hoạt động chất vấn của Quốc hội khóa XIV. Mục đích chính là đánh giá lại một cách toàn diện kết quả triển khai các yêu cầu của Quốc hội được nêu trong các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết, cách thức tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ không theo nhóm vấn đề mà đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn lĩnh vực nào thì người đứng đầu các cơ quan liên quan có trách nhiệm trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa Kỳ họp. Riêng đối với lĩnh vực thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế, do đã thay đổi nhiệm vụ mới và đang được Quốc hội tiến hành các thủ tục phê chuẩn nên chất vấn của các đại biểu Quốc hội sẽ được trả lời bằng văn bản. Những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời, làm rõ thêm. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ thay mặt Chính phủ phát biểu, giải trình làm rõ thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Việc đăng ký chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội được thực hiện thông qua App Quốc hội trên Ipad của mỗi đại biểu Quốc hội. Chủ tọa điều hành theo hướng mỗi lượt chất vấn sẽ mời 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi; các đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá một phút và người trả lời chất vấn cũng không quá 3 phút đối với mỗi chất vấn của đại biểu. Thời gian tranh luận cho mỗi đại biểu không quá 2 phút, mỗi đại biểu tranh luận không quá 2 lần.

Pháp luật, kỷ luật, kỷ cương đầu tư công được nâng cao

Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã báo cáo về 9 lĩnh vực.
                
   

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày báo cáo trước Quốc hội - Ảnh: quochoi.vn

   

Theo đó, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã đạt được nhiều kết quả thực chất hơn. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ nét, DN thành lập mới tăng cả về số lượng và chất lượng. Phát triển đồng bộ các loại thị trường, kinh tế tư nhân từng bước trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đã thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài có tính lan tỏa, áp dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Khung chính sách, pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động đầu tư công được hoàn thiện và nâng cao, giảm tình trạng đầu tư dàn trải, nợ đọng xây dựng cơ bản; giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 có nhiều điểm sáng. Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa chưa thực sự đi vào cuộc sống; tiến độ một số công trình trọng điểm quốc gia chưa đạt yêu cầu; giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2019, nhất là vốn ODA còn chậm.

Với lĩnh vực tài chính, hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN, tài sản công, vốn và tài sản nhà nước tại DN, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, thị trường tài chính, thuế, quản lý nợ công được hoàn thiện.

Công tác sắp xếp, cơ cấu lại DNNN đạt một số kết quả, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn bám sát kế hoạch Quốc hội giao. Thị trường tài chính tiếp tục có những bước phát triển tích cực, hoàn thành các mục tiêu và kế hoạch đề ra. Công tác huy động vốn vay, trả nợ và quản lý nợ công được thực hiện chặt chẽ, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội. Cơ cấu thu, chi NSNN giai đoạn 2016-2020 có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ bội chi giai đoạn 2016-2020 dưới 4%. Tuy nhiên, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra; còn tình trạng thất thu, trốn thuế, nợ đọng thuế; sử dụng vốn vay tại một số dự án chưa hiệu quả.

Việc xử lý các dự án, doanh nghiệp yếu kém còn nhiều khó khăn

Với lĩnh vực công thương, Báo cáo của Chính phủ cho biết, hệ thống hạ tầng thương mại được chú trọng phát triển, kết hợp hài hòa giữa hạ tầng thương mại truyền thống và hiện đại. Việt Nam đã ký kết và triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc triển khai chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020 đạt và vượt nhiều chỉ tiêu; xuất siêu 5 năm liên tiếp, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động, 10 tháng năm 2020 đã xuất siêu kỷ lục, đạt trên 18,7 tỷ USD. Hỗ trợ hiệu quả cho các DN trong nước xây dựng và phát triển thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bán hàng đa cấp được tăng cường.

Việc xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương được tập trung chỉ đạo, từng bước phân nhóm các dự án để xác định phương án xử lý cụ thể, khả thi, dứt điểm, bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị và theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xử lý trên nguyên tắc: Đề cao tự chủ, tự quyết của DN, theo nguyên tắc, cơ chế thị trường, Nhà nước không cấp thêm vốn vào dự án, hạn chế tối đa thiệt hại cho Nhà nước, quan tâm tới quyền lợi người lao động, an sinh - xã hội, môi trường và ổn định xã hội.
                
   

Toàn cảnh pheien chất vấn - Ảnh: quochoi.vn

   

Cụ thể, nếu tháo gỡ được vướng mắc về thuế suất giá trị gia tăng 5% đối với phân bón, bảo đảm sự bình đẳng giữa các DN sản xuất phân bón trong nước và DN nhập khẩu thì sẽ tháo gỡ được cho các dự án DAP-1 Hải Phòng, DAP-2 Lào Cai, Đạm Ninh Bình và có thể đưa DAP-1 Hải Phòng ra khỏi danh sách 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả trong thời gian tới.

Một số dự án đã tìm được đối tác hợp tác đầu tư hoặc đang có nhà đầu tư quan tâm mua lại tiếp tục đầu tư, hiện đang thương thảo với nhà đầu tư vào các dự án như: Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy gang thép Thái nguyên giai đoạn 2 và Dự án Thép Việt Trung.

Về Dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 có nhiều khó khăn, vướng mắc do có sai phạm trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng; cho đến nay đã hoàn thành xấp xỉ 86% khối lượng; Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục triển khai, hoàn thành xây dựng nhà máy đưa vào vận hành trong năm 2021 - 2022 đảm bảo chất lượng và an toàn.

Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện được triển khai thực hiện theo Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội; từng bước đẩy mạnh xã hội hóa phát triển nguồn năng lượng tái tạo; thúc đẩy DN công nghiệp hỗ trợ ngày càng được phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng chỉ rõ, công tác quản lý thị trường còn bất cập. Việc xử lý các dự án, DN yếu kém ngành Công Thương có nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đúng kế hoạch. Một số bất cập giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện còn chưa được xử lý triệt để. Quản lý quy hoạch và xây dựng thủy điện có nơi còn chưa chặt chẽ, còn có dự án thủy điện nhỏ có tác động, ảnh hưởng đáng kể đến môi trường…

Đ. KHOA