Để hệ thống tiêu chuẩn không là rào cản thương mại trên con đường hội nhập

Kinh tế - Ngày đăng : 08:15, 09/11/2020

(BKTO) - Thực tế cho thấy, tiêu chuẩn có thể là rào cản kỹ thuật khắt khe đối với thương mại, nhất là thương mại quốc tế. Tuy nhiên, rào cản này sẽ được tháo gỡ khi tiêu chuẩn quốc gia (TCQG) có sự hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam cũng không nằm ngoài yêu cầu này.



Năm 2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã yêu cầu tạm dừng công bố tiêu chuẩn sản xuất nước mắm. Ảnh tư liệu

Từ câu chuyện tiêu chuẩn của nước mắm, thép không gỉ

Câu chuyện tiêu chuẩn hóa từng trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Tháng 3/2019, dư luận “dậy sóng” tại họp báo cung cấp thông tin về Dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng, những tiêu chuẩn đưa ra trong Dự thảo không hợp lý, gây khó khăn, thậm chí triệt tiêu nước mắm truyền thống; khi tiêu chuẩn trở thành rào cản và gây bất lợi thì cần phải xem lại. Trước ý kiến trái chiều, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quyết định tạm dừng Dự thảo này để tiếp tục xin ý kiến.

Chưa hết, giữa năm 2020, các DN thép “đứng ngồi không yên” về Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ (có hiệu lực vào ngày 01/6/2020) gần như chặn đứng nguồn nguyên liệu nhập khẩu của DN. Thông tư đã siết đầu vào nguyên liệu thép không gỉ nhưng thả nổi chất lượng sản phẩm hàng hóa tiêu dùng và công nghiệp được sản xuất từ thép này nhập vào Việt Nam. Điều đó gây khó khăn cho các DN trong nước khi không thể cạnh tranh với nguồn hàng từ Trung Quốc nhập sang. Hệ quả, trên cơ sở kiến nghị của các DN thép, ngày 10/8/2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-BKHCN ngưng hiệu lực thi hành Thông tư số 15/2019/TT-BKHCN đến hết ngày 31/12/2021.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho rằng, bộ TCQG, quy phạm thực hành sản phẩm trong một lĩnh vực nào đó thường liên quan đến vài Bộ, ngành, song khi đưa vào cuộc sống đều phải đảm bảo 3 nguyên tắc: phù hợp với trình độ phát triển của Việt Nam từng giai đoạn, bảo đảm sự đồng thuận của các thành phần liên quan trong xã hội và bảo đảm sự hài hoà lợi ích của các bên liên quan.
Hiện nay, Việt Nam có gần 13.000 TCQG, gần 800 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực khoảng 60%. Đặc biệt, nước ta đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu tỷ lệ hài hòa TCQG với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực giai đoạn 2021-2025 là 65%; giai đoạn 2026-2030 là 70 - 75% như yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, công tác xây dựng tiêu chuẩn cần có sự thay đổi phù hợp.

…đến việc xây dựng tiêu chuẩn hài hòa, phù hợp

Thực tế cho thấy, khi các quốc gia áp dụng những TCQG hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, hoạt động thừa nhận kết quả thử nghiệm và chứng chỉ chất lượng trở nên dễ dàng hơn. Tiêu chuẩn hài hòa còn là những căn cứ kỹ thuật tin cậy để các quốc gia, tổ chức dựa vào đó tiến hành ký kết các hiệp định/thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả công nhận và đánh giá sự phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa giữa các nước, các khu vực. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực và các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia của các nước thành viên ASEAN, APEC, ASEM... đã và đang đẩy mạnh hoạt động tiêu chuẩn hóa theo hướng tăng cường hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực. Nhiều quốc gia đã và đang chấp nhận tiêu chuẩn của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế lớn, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới thành TCQG.

Đối với Việt Nam, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Linh, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xem xét, rà soát hệ thống TCQG, nâng tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế lên thêm một nấc nữa, phấn đấu đạt 70% vào năm 2030. Tuy nhiên, mức độ hài hòa này sẽ được cân đối, tính toán cũng như có lộ trình phù hợp để vừa giúp DN vượt qua rào cản quốc tế, vừa giữ được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Việt Nam cũng đang tập trung xây dựng các tiêu chuẩn thân thiện với môi trường; các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giai đoạn tới, cần xây dựng các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) tạo nền tảng kết nối trong sản xuất thông minh, làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc thúc đẩy sản xuất thông minh. Ngoài ra, để TCVN trở thành công cụ đắc lực hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, sản phẩm, không có cách nào khác, DN phải chủ động đề xuất xây dựng TCVN, tham gia mạnh mẽ vào quá trình xây dựng TCVN, tiêu chuẩn quốc tế.

Không phải vô cớ mà các nền kinh tế dù cao hay thấp vẫn chọn việc tăng tốc tiêu chuẩn hóa như một giải pháp cho phát triển. Bằng việc bắt buộc hoặc khuyến khích các DN trong nước tuân thủ và áp dụng các tiêu chuẩn, Nhà nước có thể nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế để đương đầu với cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Theo thống kê tại Anh, lợi ích kinh tế do tiêu chuẩn tạo ra mang lại tăng trưởng hằng năm 8,2 tỷ USD trong GDP. Còn tại Canada, việc sử dụng các tiêu chuẩn tạo ra hơn 91 tỷ USD cho nền kinh tế (năm 1981). Nghiên cứu của Hiệp hội Tiêu chuẩn Pháp cũng cho thấy, các công ty tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa có doanh thu hằng năm tăng thêm 20%. Với Việt Nam, DN cần chủ động tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp vượt qua rào cản kỹ thuật khắt khe để tự tin đưa sản phẩm vươn ra thế giới…

HỒNG NHUNG