Chính sách ưu đãi góp phần thúc đẩy công nghiệp ô tô phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 08:35, 09/11/2020

(BKTO) - Ngành hải quan đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và tiếp tục kiến nghị tháo gỡ khó khăn phát sinh nhằm đồng hành với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô.



Ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho NSNN hàng tỷ USD mỗi năm. Ảnh: P.Tuân

Giá xe sản xuất trong nước cao, tỷ lệ nội địa hóa thấp

Tại Tọa đàm: “Chính sách thuế và vai trò hải quan thúc đẩy công nghiệp ô tô Việt Nam” do Báo Hải quan vừa tổ chức, ông Lương Đức Toàn - Phó Trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) - cho biết, đến hết năm 2019, cả nước có khoảng hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp trong nước đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ. Ngành công nghiệp ô tô đóng góp cho NSNN hàng tỷ USD một năm và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị toàn cầu, còn phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi; giá bán xe vẫn cao so với các nước trong khu vực, tỷ lệ nội địa hoá lại thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình trong khu vực.

Chia sẻ sâu về vấn đề giá cả, ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) - cho biết: Một ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nếu chỉ mua một nửa linh kiện được sản xuất trong nước thì giá thành sản xuất xe sẽ rất cao. Chẳng hạn, để sản xuất nắp bình xăng, Thái Lan chỉ mất 1,5 USD/cái, trong khi đó, Việt Nam sản xuất sản phẩm này mất 3,8 USD. Tương tự, giá một ô tô được sản xuất trong nước cao hơn một ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia khoảng 10 - 20% do lượng linh kiện nhập khẩu nhiều khiến chi phí logistics và đóng gói cao.

Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) - cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá thành linh kiện ô tô sản xuất trong nước cao hơn linh kiện nhập khẩu là sản lượng thấp, nguyên liệu phải nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ô tô phải chịu mức lãi vay cao hơn 4 - 5 lần so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI)…

Đề xuất giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, ông Lê Dương Quang kiến nghị, Việt Nam cần thực hiện chính sách thuế ổn định trong thời gian dài nhằm khuyến khích DN xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, loại bỏ những DN đầu tư theo hướng “ăn xổi”. Chẳng hạn, một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước như vòng bi, linh kiện điện tử chưa sản xuất được hoặc không thể sản xuất do tính chuyên môn hóa cao nên được hưởng thuế nhập khẩu 0% hoặc chịu mức rất thấp trong thời gian dài. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng được áp dụng thuế nhập khẩu 0%. Còn theo ông Nguyễn Trung Hiếu, mặc dù số thuế được hoàn cho các DN là tương đối lớn nhưng con số này vẫn chưa giúp thu hẹp được chênh lệch từ 10 - 20% về chi phí đối với xe sản xuất trong nước so với xe nhập khẩu. Vì vậy, Nhà nước cần hỗ trợ về thuế suất để giảm mức chênh lệch này.

Hải quan đồng hành với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng cho biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 122/2016/NĐ-CP, Nghị định số 125/2017/NĐ-CP quy định Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó quy định DN đáp ứng các điều kiện của Chương trình được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được.

Nhằm tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển, ngày 25/5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP (Nghị định 57) sửa đổi, bổ sung một số điều của 2 Nghị định nói trên. Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 10/7/2020. Riêng Điều 7a có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 không những đưa thuế nhập khẩu linh kiện ô tô nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được về 0% mà còn đề ra yêu cầu sản lượng cực thấp ở 2 kỳ ưu đãi đầu tiên, mở đường cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển. Giải pháp kịp thời về thuế nhập khẩu này sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, nâng quy mô thị trường sản xuất trong nước, qua đó góp phần hỗ trợ DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.

Cục Thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, thực hiện chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô, đến ngày 19/10/2020, đã có 13 DN đăng ký tham gia, số tiền thuế nhập khẩu đã được hoàn tính theo kỳ ưu đãi thuế từ ngày 16/11/2017 đến 31/12/2019 là 9.557 tỷ đồng; số tiền thuế hoàn theo kỳ xét ưu đãi từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/6/2020 là 2.854 tỷ đồng.

Đánh giá thêm về tác động của Nghị định 57, ông Lưu Mạnh Tưởng nhấn mạnh: Việc giảm thuế nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trước mắt có thể giảm số thu từ thuế nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện, vật tư nhưng sẽ góp phần thúc đẩy DN công nghiệp hỗ trợ phát triển, từ đó tăng các khoản thu thuế nội địa khác, góp phần tạo việc làm, đảm bảo an ninh xã hội, thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, cải thiện cán cân thương mại, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

Cũng theo ông Lưu Mạnh Tưởng, hiện nay, ngành hải quan vẫn đang tích cực triển khai thực hiện các chính sách đã được ban hành và kiến nghị tháo gỡ khó khăn phát sinh nhằm đồng hành với ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô. Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp ô tô, ngoài chính sách thuế và phí, cần nhiều giải pháp đồng bộ khác như: hạ tầng giao thông, chính sách tín dụng, danh mục các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô, chuyển giao công nghệ, chi phí bản quyền, bảo vệ môi trường…

MINH ANH