Tự chủ đại học vẫn còn nhiều khó khăn
Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 09/11/2020
(BKTO) - Mặc dù tự chủ ở bậc đại học là xu thế tiên tiến và tất yếu nhưng tại Việt Nam, quá trình này vẫn diễn ra khá chậm và nhiều chông gai. Có nhiều nguyên nhân khiến quá trình tự chủ ở các trường đại học hầu hết vẫn chỉ là thí điểm, dù Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học mới ban hành đã quy định khá rõ về nội dung này.
Quá trình tự chủ ở bậc đại học diễn ra khá chậm và nhiều chông gai.Ảnh: P.Tuân
Nhiều vướng mắc khiến một số trường chưa mạnh dạn tự chủ
Chia sẻ về thành quả bước đầu và những triển vọng tự chủ đại học ở Việt Nam, Luật gia Nguyễn Huy Bằng - Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho rằng, hầu hết các trường đã hình thành Hội đồng trường theo tinh thần mới của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Nhiều trường đã kiện toàn cơ cấu tổ chức, tập trung xây dựng hệ thống văn bản nội bộ theo yêu cầu của Luật. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn không ít khó khăn, bởi nhận thức, tâm lý, thói quen quản lý kiểu cũ còn khá nặng nề từ một số lãnh đạo trường cho đến cán bộ, nhân viên. Hệ thống văn bản tác động vào các trường đại học còn thiếu đồng bộ, nghị định về tự chủ chưa được ban hành. Do đó, cần phải nhìn thẳng vào thực tế để tiếp tục đổi mới, tăng cường tự chủ.
Lý giải thêm về việc dù quy định tự chủ đại học có nhiều ưu việt nhưng đến nay vẫn có nhiều trường chưa mạnh dạn thực hiện, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. HCM Trần Đình Lý cho hay, vướng mắc đầu tiên và có thể xuyên suốt là do thiếu sự quyết tâm, quyết liệt từ nhiều phía, nhiều cấp. Bên cạnh đó, vẫn còn những người chưa hiểu hết ý nghĩa của việc trường tự chủ là được tự chủ cả về tổ chức, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học - công nghệ, đảm bảo chất lượng, hợp tác quốc tế; hay nhiều người chỉ nghĩ đơn thuần tự chủ đại học là tự chủ tài chính.
Cũng theo ông Trần Đình Lý, lực cản thứ hai là do “suy nghĩ chưa tới”. Đó là, nếu tự chủ thì sẽ mất nguồn đầu tư từ phía Nhà nước, sẽ không còn tiền hoặc số tiền tự làm ra không đủ để hoạt động. Họ chưa nghĩ xa hơn rằng, khi tự chủ đồng nghĩa với sự tự chịu trách nhiệm cao hơn, tất cả các hoạt động sẽ phải cân nhắc hiệu quả, thậm chí đột phá để đổi mới tư duy, không theo lối mòn, tự chủ sẽ không còn quá phụ thuộc vào những quy định lỗi thời, bất cập. “Chỉ khi nào hiểu được tự chủ đại học là “được” chứ không phải “bị” thì tư tưởng mới thoát ra để cùng nhau xây dựng phát triển” - ông Lý nhấn mạnh.
Cần thay đổi tư duy từ cáccơ quan lãnh đạo và quản lý
Bên cạnh những trường đại học chưa mạnh dạn thực hiện tự chủ thì đã có một số trường thành công trong thực hiện quyền này và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Điển hình tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, sau 5 năm thực hiện tự chủ, Trường đã mở mới gần 20 ngành và chương trình đào tạo. Các chương trình này đều là những lĩnh vực mới của nền kinh tế, hoặc những ngành đào tạo liên ngành, xuyên ngành đáp ứng cho nhu cầu nền công nghiệp 4.0. Đặc biệt, những ngành này đa số đào tạo bằng tiếng Anh với chương trình đào tạo được nhập khẩu từ nước ngoài, luôn thu hút được số lượng người học rất đông.
Chia sẻ về bài học kinh nghiệm của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khi thực hiện tự chủ, ông Lê Việt Thủy - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Thư ký Đề án Tự chủ đại học của Trường - cho biết, đầu tiên là cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vì khi thực hiện đề án tự chủ nghĩa là mang đến rất nhiều sự thay đổi, không chỉ với xã hội, người học mà ngay cả với bản thân cán bộ, giảng viên trong trường. Cùng với đó, lãnh đạo nhà trường cũng cần phải có những cam kết cụ thể theo từng mốc thời gian để gây dựng lòng tin với xã hội và cán bộ, giảng viên nhà trường. Ví dụ: Đối với người học, cần hướng tới tỷ lệ sinh viên có việc làm cao và thu nhập tốt sau khi ra trường. Đối với giảng viên, cần có những chính sách tạo động lực, cam kết về các quyền lợi và mức thu nhập hằng năm. Bài học tiếp theo chính là việc đa dạng hóa các ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội và làm tốt công tác tư vấn tuyển sinh...
Để thúc đẩy các trường đại học chuyển sang cơ chế tự chủ, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng, Nhà nước cũng như các cơ quan chủ quản của các trường cần xây dựng các chính sách, đề án để hỗ trợ các trường trong những năm đầu, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, điều kiện cơ sở vật chất, trình độ nguồn nhân lực để thu hút được người học. Ngoài ra, cần thay đổi tư duy từ các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở cấp vĩ mô với 4 điều kiện. Thứ nhất, cấp trên phải đủ độ “chín” về tư duy, văn hóa, nhân cách, biết chăm lo cho sự trưởng thành của con người hơn là quyền lực của bản thân. Thứ hai, cấp dưới phải đủ phẩm chất và trách nhiệm với động cơ trong sáng, không có ý định lợi dụng việc phân cấp để tìm kiếm lợi ích cá nhân. Thứ ba, xã hội phải đủ nhận thức để tác động bằng dư luận, phê phán và phản đối cách làm bảo thủ không chịu phân cấp, không cho tự chủ. Thứ tư, tự chủ nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật, phải chịu sự giám sát, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước, phải tăng cường trách nhiệm giải trình và chịu trách nhiệm trước xã hội, cơ quan quản lý và người học.
LÊ HÒA