Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV Thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và Luật Thỏa thuận quốc tế

Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 14/11/2020

(BKTO) - Chiều 13.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) và Luật Thỏa thuận quốc tế.


Doanh nghiệp cần có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được thông qua với tỷ lệ 93,36% tổng số ĐBQH tán thành.

Luật gồm 8 chương, 76 điều, quy định về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022.

Theo đó, các hình thức người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng gồm: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện thỏa thuận quốc tế. Luật quy định rõ, hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân (gồm doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài; Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài; Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài). Hợp đồng lao động do người lao động trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
                
   

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La biểu quyết thông qua. Ảnh: Quang Khánh

   

Về điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, khoản 1, Điều 10 quy định, doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi đáp ứng đủ các điều kiện. Cụ thể, có vốn điều lệ từ 5 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư; đã ký quỹ theo quy định tại Điều 24 của Luật…

Về người đại diện của doanh nghiệp được cấp giấy phép, khoản 1, Điều 10, Luật cũng quy định rõ, người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Chính phủ sẽ quy định chi tiết các điều kiện áp dụng với doanh nghiệp.

Giới hạn nội dụng ký thỏa thuận quốc tế của UBND cấp xã khu vực biên giới

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế, với tỷ lệ 94,61% tổng số ĐBQH tán thành. Luật Thỏa thuận quốc tế gồm 7 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2021.

Luật Thỏa thuận quốc tế quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế. Song, Luật này không điều chỉnh việc ký kết, thực hiện thỏa thuận về vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài theo pháp luật về quản lý nợ công…
                
   

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thỏa thuận quốc tế, với tỷ lệ 94,61% tổng số ĐBQH tán thành. Ảnh: Quang Khánh

   

Theo quy định của Luật, bên ký kết Việt Nam bao gồm Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước; Văn phòng Chủ tịch Nước, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; HĐND, UBND cấp tỉnh; Tổng cục, cục thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, cơ quan trung ương và cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cũng được ký kết thỏa thuận quốc tế.
                
   

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang bấm nút biểu quyết thông qua Luật. Ảnh: Quang Khánh

   

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, do Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và nhằm bảo đảm phù hợp với năng lực, chặt chẽ về pháp lý, bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia, dự thảo Luật giới hạn phạm vi và nội dung UBND cấp xã ở khu vực biên giới được ký thỏa thuận quốc tế gồm: giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa, hợp tác quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật giao Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và chịu trách nhiệm về việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh UBND cấp xã ở khu vực biên giới, phù hợp với Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272 ngày 21.1.2015 của Bộ Chính trị khóa XI.

Theo daibieunhandan.vn