Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội khóa XIV: Tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp đến hết ngày 31.12.2022
Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 14/11/2020
(BKTO) - Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ Mười, chiều 13.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 38 điều, với tỷ lệ 93,15% tổng số ĐBQH tán thành.
Nhiều hộ gia đình có thể đăng ký cùng một chỗ ở hợp pháp
Theo đó, những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình. Người không thuộc trường hợp nêu trên nếu có đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp theo quy định của Luật Cư trú (sửa đổi) cũng sẽ được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú vào cùng một hộ gia đình. Luật cũng quy định, nhiều hộ gia đình có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Cư trú (sửa đổi) |
Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ do các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do Tòa án quyết định. Luật quy định rõ, trường hợp hộ gia đình chỉ có một người thì người đó đồng thời là chủ hộ.
Về điều kiện đăng ký thường trú, Điều 20, Luật quy định, công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Công dân cũng được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý. Cụ thể, áp dụng điều kiện này với việc vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ. Bên cạnh đó, người chưa thành niên được đăng ký thường trú khi được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý; nếu không còn cha, mẹ, người chưa thành niên về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột cũng được đăng ký thường trú khi chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.
Đối với trường hợp đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ, Luật quy định, công dân được đăng ký thường trú khi được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó. Đồng thời, cần bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam bấm nút thông qua |
Người làm nghề lưu động trên phương tiện có thể đăng ký thường trú
Luật cũng quy định người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện. Theo đó, được áp dụng khi là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú; phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở; có xác nhận của UBND cấp xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc có nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.
Luật quy định một số trường hợp công dân không được đăng ký thường trú, tạm trú. Cụ thể, theo Điều 23, công dân không được đăng ký thường trú và tạm trú với chỗ ở nằm trong địa điểm cấm, khu vực cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh, giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật. Điều này cũng áp dụng với chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật; chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo quy định của pháp luật; chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh bấm nút biểu quyết |
Về việc sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hiện hành, tại khoản 3 Điều 38 Luật quy định theo hướng cho phép người dân được tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31.12.2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành. Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) nêu rõ, quy định này không làm ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của Luật Cư trú và việc triển khai thực hiện các quy định của Luật ngay từ thời điểm ngày 1.7.2021. Khi các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối, liên thông để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn nêu trên.
Theo daibieunhandan.vn