Chương trình Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc, Mekong-Nhật Bản

Đối nội - Ngày đăng : 09:45, 13/11/2020

(BKTO) - Theo chương trình, ngày 13/11, diễn ra Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 2 và Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 12.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 qua hình thức trực tuyến. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ ngày 12-15/11/2020.

Đây là chuỗi hoạt động cuối cùng của Năm Chủ tịch ASEAN và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan.

Theo chương trình, ngày 13/11, diễn ra Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 2 và Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 12.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 10 (ngày 28/9/2020) đã thống nhất tổ chức Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc thường niên bên lề các hội nghị ASEAN, hoặc tại Hàn Quốc trên cơ sở đồng thuận của các nước thành viên.

Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất đã thống nhất hợp tác sẽ dựa trên 3 trụ cột (người dân, thịnh vượng và hòa bình) và 7 lĩnh vực hợp tác ưu tiên (văn hóa và du lịch, phát triển nguồn nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn, hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin và truyền thông, môi trường, các thách thức an ninh phi truyền thống).

Hội nghị cấp cao Mekong-Hàn Quốc lần thứ nhất đã tuyên bố thành lập Trung tâm nghiên cứu chung về nguồn nước (đặt tại Hàn Quốc), Trung tâm đa dạng sinh học Mekong-Hàn Quốc (đặt tại Myanmar) và Hội đồng kinh doanh Mekong-Hàn Quốc (với thành viên bao gồm các hiệp hội doanh nghiệp của các nước Mekong.

Cho tới nay, Nhật Bản và các nước Mekong gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam đã tiến hành 11 Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản.

Tại Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 11 tổ chức tại (Thái Lan, ngày 4/11/2019) đã thông qua hai văn kiện: Tuyên bố chung và Tài liệu “Sáng kiến Mekong-Nhật Bản về Mục tiêu phát triển bền vững hướng tới 2030.”

Các nhà lãnh đạo đánh giá quan hệ đối tác chiến lược đã giúp hợp tác Mekong-Nhật Bản đóng góp hiệu quả phát triển khu vực Mekong-Đông Nam Á.

Các nước nhất trí đẩy mạnh triển khai Chiến lược Tokyo 2018 gắn kết với các mục tiêu SDGs của Liên hợp quốc và Kế hoạch tổng thể ACMECS; tăng cường kết nối hệ thống thông tin cả phần cứng và phần mềm, xây dựng thành phố thông minh; bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, gia tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra các nước nêu thêm một số ưu tiên như hoàn tất cao tốc Vientiane-Hà Nội, tổ chức Diễn đàn Cơ sở hậ tầng và Kết nối chất lượng cao Mekong-Nhật Bản, triển khai Quỹ bảo hiểm thiên tai cho Myanmar và Lào...

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các Hội nghị cấp cao liên quan là dịp để ASEAN đánh giá một cách tổng thể những kết quả hợp tác trong năm cả trong nội khối cũng như với các đối tác, đề ra định hướng ưu tiên cho giai đoạn tiếp theo.

Đây cũng là dịp duy nhất trong năm, Lãnh đạo ASEAN họp với Lãnh đạo hầu hết các đối tác quan trọng của ASEAN./.

Theovietnamplus.vn