Quản lý tài chính dự án đầu tư PPP: Nhiều nội dung liên quan đến Kiểm toán Nhà nước

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 14:15, 17/11/2020

(BKTO) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Dự thảo Nghị định). Dự thảo quy định chi tiết việc thi hành một số vấn đề tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), trong đó có nhiều nội dung liên quan đến KTNN.



Qua kiểm toán 134 dự án PPP, KTNN đã phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý tài chính hơn 13.700 tỷ đồng. Ảnh: Như Ý

Hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư PPP

Việc xây dựng Nghị định nhằm hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư theo phương thức PPP, tiệm cần dần với thông lệ quốc tế và điều kiện của Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư có năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý thực hiện dự án; xây dựng khung pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch để khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công.

Trên tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của cơ quan quản lý nhà nước; đảm bảo sự phù hợp với các quy định pháp luật có liên quan và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, Dự thảo Nghị định tập trung vào 4 nội dung chính: phương án tài chính dự án PPP; việc quản lý, sử dụng thanh toán, quyết toán vốn nhà nước trong dự án PPP; quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành và cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu.

Trong đó, Dự thảo Nghị định quy định 3 nguyên tắc quản lý, sử dụng thanh toán vốn nhà nước đối với dự án PPP. Thứ nhất, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư dự án; hợp đồng dự án phải quy định cụ thể tỷ lệ, giá trị, tiến độ, điều kiện thanh toán. Thứ hai, việc sử dụng tài sản công để hỗ trợ phải được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định, xác định giá trị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về giá. DN dự án có trách nhiệm quản lý, sử dụng; cơ quan ký kết hợp đồng có trách nhiệm giám sát việc sử dụng theo đúng quy định tại hợp đồng dự án. Thứ ba, việc thanh toán cho các hợp đồng xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ (BTL), hợp đồng xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT) bao gồm vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công hằng năm để thanh toán cho chi phí đầu tư thuộc tổng mức đầu tư, vốn chi thường xuyên được bố trí trong dự toán chi thường xuyên từ NSNN để thanh toán cho các khoản chi phí và các khoản phải trả khác…

Kiểm toán Nhà nước kiểm toán doanh thu thực tế và phần tăng, giảm doanh thu

Đáng lưu ý, Dự thảo Nghị định có nhiều nội dung liên quan đến KTNN. Cụ thể, về quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành, Dự thảo Nghị định quy định: Sau khi dự án hoàn thành, DN dự án có trách nhiệm lập hồ sơ quyết toán các chi phí hợp pháp trong quá trình đầu tư, đưa dự án vào khai thác theo quy định tại hợp đồng dự án. Căn cứ hồ sơ quyết toán dự án PPP hoàn thành, kết luận của các cơ quan kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra (nếu có) và báo cáo tình hình chấp hành của DN dự án, cơ quan ký kết hợp đồng xem xét chấp thuận giá trị quyết toán vốn đầu tư dự án PPP hoàn thành. Hồ sơ quyết toán bao gồm nhiều văn bản, tài liệu quan trọng, trong đó có báo cáo của KTNN đối với dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BTL, xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO).

Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, DN dự án chia sẻ với Nhà nước 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này sau khi đã điều chỉnh mức giá phí dịch vụ (giảm), điều chỉnh thời gian hợp đồng (giảm) và được KTNN kiểm toán phần tăng doanh thu. Khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này và doanh thu thực tế; việc chia sẻ chỉ thực hiện khi đáp ứng các điều kiện: dự án áp dụng loại hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), BTO, xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO); quy hoạch, chính sách, pháp luật thay đổi làm giảm doanh thu; đã điều chỉnh tăng giá, phí, tăng thời gian hợp đồng song vẫn chưa đảm bảo đạt mức 75% doanh thu theo phương án tài chính; được KTNN kiểm toán phần giảm doanh thu.

Dự thảo Nghị định quy định căn cứ doanh thu thực tế và các điều kiện quy định tại Điều 82 Luật PPP, cơ quan ký kết hợp đồng đề nghị KTNN kiểm toán doanh thu thực tế. Căn cứ báo cáo kiểm toán của KTNN và hợp đồng dự án, cơ quan ký kết hợp đồng xác định giá trị phần doanh thu chia sẻ, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định…

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định còn quy định: nguyên tắc kiểm soát thanh toán vốn nhà nước; chế độ báo cáo của DN dự án, cơ quan ký kết hợp đồng, cơ quan quản lý tài sản công tham gia dự án PPP; trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến việc thực hiện dự án PPP, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, KTNN; cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng; nhà đầu tư, DN dự án…

Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Nghị định, lãnh đạo KTNN đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tham gia, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo; đồng thời giao Vụ Pháp chế tổng hợp ý kiến để gửi cơ quan soạn thảo.
         
Giai đoạn 2016-2019, qua kiểm toán 134 dự án PPP (gồm 84 dự án BOT giao thông và 50 dự án BT), KTNN đã phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý tài chính hơn 13.700 tỷ đồng, trong đó, nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lên đến gần 30% giá trị được kiểm toán. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án BOT là 300 năm. Kết quả kiểm toán dự án PPP nói chung và các dự án BOT, BT nói riêng còn chỉ ra nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách.
NGUYỄN LỘC