Doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng áp dụng IFRS
Kinh tế - Ngày đăng : 15:10, 17/11/2020
(BKTO) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới diễn ra sâu rộng, việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) sẽ giúp giải quyết bài toán hội tụ kế toán theo chuẩn mực chung, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư và góp phần nâng cao năng lực quản trị DN. Đó là lý do để nhiều DN tự nguyện chuyển đổi sang IFRS, góp phần đưa Việt Nam vào bản đồ các quốc gia và vùng lãnh thổ ủng hộ việc áp dụng ngôn ngữ kế toán toàn cầu.
Việc áp dụng IFRS sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị DN. Ảnh sưu tầm
Hơn 50% doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị chuyển đổi theo IFRS
“Khảo sát về Tính sẵn sàng áp dụng IFRS tại DN” do Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) và Deloitte Việt Nam thực hiện cho biết, có hơn 50% DN đã áp dụng hoặc đang chuẩn bị chuyển đổi theo IFRS. Sau khi Bộ Tài chính phê duyệt, ban hành Đề án Áp dụng IFRS, hơn 55% DN nói rằng, họ sẽ áp dụng chuyển đổi trước năm 2025 - năm cuối cùng trong giai đoạn tự nguyện theo lộ trình áp dụng IFRS. Ngoài ra, tỷ lệ tự nguyện áp dụng chuyển đổi IFRS của DN được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo, đây là tín hiệu lạc quan cho thấy sự ủng hộ việc áp dụng IFRS ở cộng đồng DN.
Cũng theo Khảo sát, một số ngành đã chuyển đổi sang IFRS hoặc đang trong giai đoạn chuẩn bị: ngành ngân hàng do yêu cầu quản lý và tuân thủ; các ngành trọng điểm như năng lượng và công nghiệp; ngành chiến lược của Việt Nam như bảo hiểm, quản lý đầu tư, công nghệ, truyền thông và viễn thông... Điều đặc biệt nữa là nhiều trường đại học đã tích hợp nội dung IFRS vào giáo trình, chương trình đào tạo đại học và sau đại học. Đây không chỉ là động thái tích cực trong lĩnh vực đào tạo mà còn cho thấy sự đồng thuận và đồng bộ của các thành phần có liên quan trong việc áp dụng IFRS.
Đối với các DN đã áp dụng IFRS, Khảo sát cho thấy: Số lượng DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là nhóm các DN niêm yết, DN đại chúng quy mô lớn và các tập đoàn kinh tế nhà nước. Bốn nhóm này đã chiếm hơn 70% các DN tham gia khảo sát, trên thực tế, đây cũng là các nhóm đóng góp nhiều cho nền kinh tế và việc áp dụng chính sách kế toán mới ít nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ số tài chính cũng như kết quả hoạt động kinh doanh.
Theo đánh giá của Deloitte, với thị trường Việt Nam nói chung, việc áp dụng IFRS sẽ giúp gia tăng mức độ tin cậy và minh bạch trong mắt các nhà đầu tư. Ở góc độ các DN Việt Nam nói riêng, việc áp dụng và trình bày báo cáo tài chính (BCTC) theo chính sách kế toán quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội rộng mở với bên ngoài, tăng mức độ uy tín và vị thế trên thị trường quốc tế, tạo ra sức hấp dẫn nhất định khi cạnh tranh với DN ở các nền kinh tế khác.
Ba trở ngại cần vượt qua khiáp dụng IFRS
Các chuyên gia của Deloitte nhận định: Để việc áp dụng IFRS thành công tại Việt Nam, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các DN sản xuất kinh doanh cũng như sự tư vấn hỗ trợ từ các công ty phần mềm và các DN kiểm toán. Trong đó, bản thân DN cần tự điều chỉnh nhận thức và nguồn lực để vượt qua một số khó khăn. Cụ thể:
Trở ngại lớn nhất trong việc áp dụng IFRS ở các DN là sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo và các nguồn tài nguyên, bởi quá trình chuyển đổi IFRS được xem như liên quan đến nhánh kế toán - kiểm toán chứ không phải vấn đề thuộc bộ phận quản lý. Việc cập nhật và bắt kịp quá trình chuyển đổi áp dụng IFRS sẽ rất khó diễn ra thuận lợi nếu các cấp quản lý xem đây là yêu cầu bắt buộc phải tuân theo thay vì đánh giá nó như một chiến lược quản lý. Cấp quản lý cần hỗ trợ và tạo sự tương tác, phối hợp với giữa các phòng ban khác nhau trong DN nhằm tối ưu hóa việc thu thập các thông tin cần thiết cho việc thiết lập, trình bày BCTC.
Tiếp đến là khả năng đáp ứng của đội ngũ kế toán đối với IFRS. Hiện nay, ở Việt Nam, các DN địa phương đang thiếu hụt nguồn nhân lực, kỹ năng, kinh nghiệm và thời gian để thích nghi với IFRS, dẫn đến một số hạn chế trong các sự lựa chọn. Báo cáo tài chính phụ thuộc nhiều vào đề xuất của các kiểm toán viên, đây cũng được xem là lo ngại đối với các DN kiểm toán bởi việc tham gia quá nhiều vào quá trình lập BCTC của các DN có thể gây ra sự thiếu khách quan khi kiểm toán sau này. Vì vậy, các buổi đào tạo, phổ biến kiến thức là những điều kiện tiên quyết và cần được thực hiện trước hạn bắt buộc chuyển đổi.
Cuối cùng là chi phí chuyển đổi của DN. Khi áp dụng IFRS, DN có thể phát sinh một số chi phí trong việc thay đổi trình bày và hệ thống kế toán. Cụ thể như: DN phải sử dụng các dịch vụ hỗ trợ của các công ty tư vấn và kiểm toán, dẫn đến gia tăng chi phí chuyển đổi do thiếu nhân lực phù hợp; các khoản chi phí phát sinh nhằm điều chỉnh hệ thống kiểm soát nội bộ và hệ thống phần mềm để đáp ứng các điều kiện của chuẩn mực IFRS cũng góp phần tăng chi phí. Khi bắt đầu, các DN có thể bị choáng ngợp bởi các khoản phải bỏ ra mà không tính đến những lợi ích mà IFRS mang lại. Vì vậy, việc chuyển đổi cần được xem như một thay đổi cần thiết trong chiến lược đầu tư cho hoạt động kinh doanh trong tương lai.
Theo Ủy ban Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IASB), tính đến nay, đã có hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu lập BCTC theo chuẩn mực IFRS đối với các DN niêm yết, trong đó, khoảng 90 quốc gia đã hoàn toàn áp dụng IFRS và các quốc gia còn lại đã cho phép về việc áp dụng IFRS dưới các hình thức khác nhau cho cả BCTC riêng của DN và BCTC hợp nhất của tập đoàn hoặc chỉ cho BCTC hợp nhất. |
BẮC SƠN